Ảnh hưởng lớn từ thị trường quốc tế

Trái ngược với tất cả dự báo, phiên giao dịch ngày 6-8, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đà lao dốc, bán tháo của nhiều TTCK lớn trên thế giới, khi ba chỉ số chính giảm rất sâu. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy duy trì tốt giúp VN Index không bị giảm sâu, mà duy trì quanh mức giá đóng cửa phiên sáng.

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới xấu, nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán ra và đa số cổ phiếu không có lãi. Ảnh: NG.ANH
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới xấu, nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán ra và đa số cổ phiếu không có lãi. Ảnh: NG.ANH

TTCK toàn cầu ngay trong ngày đầu tuần, ngày 5-8, đã rúng động khi đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc giảm xuống giá đáy bằng thời điểm năm 2008. Nếu Trung Quốc thực hiện phá giá để giảm tác động từ mức thuế mới của Mỹ, cuộc chiến thương mại sẽ lan ra thành cuộc chiến tiền tệ. Các TTCK đã phản ứng rất tiêu cực trước diễn biến mới của TT tiền tệ. Khi căng thẳng thương mại leo thang, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có các động thái giảm tác động. Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã có lộ trình và thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Trung Quốc cũng “nới lỏng” tiền tệ mạnh hơn và giảm giá đồng CNY…

TTCK châu Á ngày 5-8 đã đồng loạt giảm mạnh. CK Nhật Bản lao dốc 1,74%, CK Trung Quốc giảm 1,62%, CK Hồng Công (Trung Quốc) giảm 2,84%, CK Hàn Quốc giảm 2,56%... Các TTCK châu Âu mở cửa ngay sau khi TTCK châu Á kết thúc cũng đồng loạt giảm suýt soát 2%. TTCK Mỹ dự kiến mở cửa giảm 1,3 - 1,8% dựa trên giao dịch của các hợp đồng tương lai. Giá dầu đồng loạt giảm 1,5%.

Các TT trở nên tiêu cực và gây sức ép tâm lý lẫn nhau. Trong sáng 5-8, TTCK Việt Nam đề kháng khá tốt, mức giảm chỉ loanh quanh 0,7% ở chỉ số VN Index. Tuy nhiên, càng về sau diễn biến TTCK thế giới càng xấu, nhà đầu tư (NĐT) đã đẩy mạnh bán ra và đa số cổ phiếu (CP) không có lãi. Nhưng việc bán tháo sớm có thể còn có lợi hơn là chờ đợi giá phục hồi rồi mới cắt lỗ. VN Index về cuối phiên chịu áp lực bán rất mạnh, đóng cửa giảm 1,81%. Đây là mức giảm sâu nhất trong một ngày, kể từ ngày 21-3-2019. Có điểm tương đồng khá thú vị, là phiên giao dịch ngày 21-3, TT cũng vừa rời khỏi đỉnh cao. Đột ngột NĐT muốn thoát ra đã tạo nên phiên giảm hơn 2%.

Chỉ số VN Index của Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ các CP vốn hóa lớn, nên khi các mã này quay đầu giảm, sức mạnh của hiệu ứng ngược cũng không khác gì chiều tăng. Điều tệ hơn chính là việc chỉ số giảm dẫn đến CP giảm, bất kể là trước đó giá đã tăng hay chưa. Ba CP tâm điểm của hiệu ứng ngược là VIC, VHM và VCB. Phiên này, chính việc ba CP này giảm giá đã ảnh hưởng nhiều nhất tới chỉ số. “Lên bằng cái gì thì xuống bằng cái đó” là khẩu hiệu mà giới đầu tư vẫn đặt cho VN Index và phiên này là một bằng chứng sinh động.

Yếu tố tiêu cực mới duy nhất phiên này là biến động mạnh của đồng CNY, còn các yếu tố khác đã có từ trước. Hai phiên cuối tuần trước, TT Việt Nam được xem là mạnh hơn nhiều TT khác và tách biệt với thế giới. Tuy nhiên, đến phiên này thì không thể khác được, vì cuối cùng NĐT cũng chọn cách bán CP lấy về tiền mặt. Thanh khoản tăng mạnh trong một ngày TT giảm điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt tới hơn 5.642 tỷ đồng, tăng 17% so mức trung bình các phiên của tuần trước.

Trong số các CP giao dịch lớn nhất phiên này thì ROS, MWG và FPT tăng giá. ROS thuộc loại “không phân tích được”, còn MWG tăng 1,4% và leo lên đỉnh cao mới trong lịch sử. FPT tăng 0,41% và suýt nữa cũng nối gót MWG tạo đỉnh cao mới trong lịch sử. Cả hai CP này đều bị bán mạnh trong phiên và giá tăng như trên là do đã suy yếu nhiều. Việc TT bị bán mạnh phiên này báo hiệu tâm lý bi quan bắt đầu lan rộng, thay thế tâm lý lạc quan của tuần trước. TT đã thay đổi đáng kể mặc dù chỉ mới sau hai ngày nghỉ cuối tuần.

Bước vào phiên giao dịch sáng 6-8, trái ngược với tất cả dự báo, TT trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đà lao dốc, bán tháo của nhiều TT lớn trên thế giới, đặc biệt là TT phố Wall đêm 5-8, khi ba chỉ số chính giảm rất sâu. Lực bán tháo ồ ạt diễn ra ngay khi bước vào phiên sáng 6-8 đẩy VN Index giảm gần 15 điểm, lùi sâu xuống ngưỡng 958 điểm. Sau gần một giờ đồng hồ giao dịch, chỉ số vẫn đang ở vùng giá trên, dường như bên bán cũng đã “ngừng tay”, trong khi NĐT nắm giữ tiền lại đứng ngoài quan sát. Tuy nhiên, tại ngưỡng cản này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã kéo VN Index trở lại, lấy lại được gần phân nửa số điểm đã mất.

Sau nửa đầu phiên đứng ngoài quan sát, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, tuy không mạnh nhưng cũng đủ giúp VN Index “bò” dần lên ngưỡng 965 điểm, mặc dù khá đáng tiếc không giữ được ngưỡng này khi kết phiên bởi nhịp giảm nhẹ trong những phút cuối phiên sáng. Trong phiên chiều 6-8, sắc đỏ vẫn bao trùm bảng điện tử khi lực bán giá thấp tiếp tục duy trì mạnh. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy duy trì tốt giúp VN Index không bị giảm sâu, mà duy trì quanh mức giá đóng cửa của phiên sáng.

Chốt phiên giao dịch ngày 6-8, VN Index giảm 8,54 điểm, xuống mức 964,61 điểm với 101 mã tăng, trong khi có 203 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 210,93 triệu đơn vị, giá trị 5.998,2 tỷ đồng, tăng 7,6% về lượng và 15,6% về giá trị so phiên đầu tuần. Tuy nhiên, phiên này giao dịch thỏa thuận cũng khá lớn với 40,7 triệu đơn vị, giá trị 2.402,5 tỷ đồng. Việc VN Index không giảm sâu trong phiên này nhờ sự trở lại ấn tượng của VIC khi mã có vốn hóa lớn nhất TT này đảo chiều tăng 1,53% lên mức cao nhất ngày 119.800 đồng với 0,44 triệu đơn vị được khớp. Các mã lớn còn lại đồng loạt chìm trong sắc đỏ.