Vốn nào cho công ty chứng khoán?

Từ chỗ chỉ có một kênh huy động vốn duy nhất là phát hành cổ phiếu (CP) cho cổ đông hiện hữu (CĐHH), các công ty chứng khoán (CTCK) ngày càng có nhiều kênh như chào bán CP cho đối tác chiến lược, huy động trái phiếu (TP), vay tín chấp…

Thời thế thay đổi

Giai đoạn bùng nổ đầu tiên của thị trường chứng khoán (TTCK) những năm 2006-2007, một loạt các CTCK ra đời và lúc này dù có nhiều tiền thì cũng không dễ mua được cổ phần. Cho đến hết năm 2009, việc huy động vốn của các CTCK vẫn tương đối dễ dàng thông qua việc phát hành cho CĐHH, thậm chí lấy lợi nhuận, hoặc thặng dư vốn để tăng vốn điều lệ (thông qua hình thức chia cổ tức, chia thưởng bằng CP). Sang đến giai đoạn năm 2012-2014, các CTCK bước vào giai đoạn tái cấu trúc, lúc này cần vốn thật sự thì CĐ trở nên e dè. Khi “người nhà” còn không mặn mà thì không dễ để CTCK có thể gọi vốn từ bên ngoài.

Tuy nhiên, thời thế đổi thay khi thanh khoản của TTCK bùng nổ trong giai đoạn năm 2016-2017, sang đến năm 2018-2019 thì sản phẩm mới - CK phái sinh, tạo ra nhiều cơ hội cho các CTCK hoạt động. Nhờ vậy, một loạt các CTCK như: Mirae Asset, KB… đã chào bán được cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài (Hàn Quốc). Ngoài ra, một loạt các CTCK như: ACBS, VNDS, SHS, SSI… cũng đã huy động được từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng vốn từ các đợt phát hành TP. Trước đây, lấy lý do CTCK không phải là doanh nghiệp sản xuất, khó có tài sản thế chấp, nên các trái chủ, hoặc ngân hàng (NH) thường rụt rè mua TP hay cấp tín dụng. Nhưng trong vài năm gần đây, thị phần, thương hiệu, uy tín của CTCK đã được xem là giá trị bảo chứng để có thể huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau.

Cuộc đua tín chấp

Những năm gần đây, ngoài việc đầu tư CK, một số người còn mua thêm cả TP từ một số CTCK. Chẳng hạn, với số tiền khoảng 5-10 tỷ đồng, một số nhà đầu tư dành khoảng từ 20-50% cho việc mua TP và hưởng các mức lãi suất từ 9-10% để tạo ra nguồn thu nhập cố định (fix income) bên cạnh nguồn thu nhập mang tính tăng trưởng và biến động từ đầu tư CK. Thậm chí một số NĐT không muốn gửi tiền NH, nhưng chưa muốn đầu tư CK cũng có thể lựa chọn mua TP. Một số NH thương mại, có cổ phần tại CTCK cũng tìm cách phát triển sản phẩm TP này, để tránh việc bị mất khách, không gửi tiền ở NH “mẹ”, thì cũng đem tiền sang CTCK “con” để mua TP.

Mới đây, SSI còn gây bất ngờ khi nhận được khoản vay tín chấp trị giá 55 triệu USD - tương đương hơn 1.270 tỷ đồng từ nhóm định chế tài chính nước ngoài, đứng đầu là NH SinoPac. Số vốn chủ yếu sẽ được dùng cho đầu tư ngắn hạn có tính an toàn cao hoặc giải ngân vào các hoạt động tự doanh, cho vay ký quỹ (margin)… tùy từng thời điểm. SinoPac đã cung cấp các khoản vay cho nhiều CTCK, đặc biệt là tại Hồng Công và Đài Loan (Trung Quốc), tuy nhiên, tại Việt Nam thì SSI là trường hợp đầu tiên được NH SinoPac cấp tín dụng dưới hình thức này. Sau thương vụ giữa SinoPac và SSI, nhiều khả năng sẽ là cuộc đua về huy động vốn tương tự tại nhiều CTCK khác. Sẽ có nhiều CTCK tiếp cận được với dòng vốn vay tín chấp, và ngược lại, các định chế tài chính trong và ngoài nước cũng sẽ cạnh tranh trong việc cung ứng vốn cho các CTCK lớn.