Vốn hóa tăng nhanh, thanh khoản thấp

Một trong những hiện tượng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã kéo dài tương đối lâu, đó là trạng thái chỉ số dù xanh hay đỏ thì số lượng mã cổ phiếu (CP) giảm vẫn áp đảo số lượng mã tăng. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Một trong những tiêu chí thể hiện cho sự phát triển của TT trong thời gian qua là quy mô vốn hóa cũng như số lượng mã CK được niêm yết trên HoSE, HNX và đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với sự tăng lên về quy mô cộng dồn thì trên TT thứ cấp, số lượng mã CP mất thanh khoản lại khá lớn. Nhìn thống kê thanh khoản bình quân của các mã CP tính từ đầu năm 2019, số lượng các mã không được giao dịch và được giao dịch với thanh khoản thấp chiếm khá lớn.

Cụ thể, có đến gần 50% số mã trên HoSE, gần 90% trên HNX và 95% trên UPCoM có thanh khoản dưới 500 triệu đồng/ngày. Nhiều mã CP còn không có giao dịch trong thời gian dài. Dòng tiền vào khiêm tốn với số đông các mã, hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng” có lẽ không quá khó để giải thích. Có nhiều CP tốt và định giá hấp dẫn, nhưng nếu muốn đầu tư, nhà đầu tư (NĐT) rất khó xuống tiền vì thanh khoản không cho phép.

Thực tế, quy mô của TTCK Việt Nam tăng rất nhanh sau khi các DN đấu giá, cổ phần hóa, doanh nghiệp đại chúng buộc phải đưa CP lên sàn giao dịch. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về vốn hóa dường như chưa đi kèm nâng cao thanh khoản. Dòng tiền mới không đủ để hấp thụ được hết nguồn cung mới, do đó TT giao dịch trong trạng thái khát tiền và thanh khoản đuối dần. Dù chỉ số CK có những lúc tăng mạnh, nhưng khi giao dịch, nhiều NĐT vẫn có cảm giác TT không được hào hứng như trước đây.

Tính đến cuối tháng 8-2019, vốn hóa của sàn HoSE đã vượt 3,3 triệu tỷ đồng, nhưng nếu nhìn vào đồ thị giá trị giao dịch trong năm chia cho vốn hóa TT mới thấy TT đang khát tiền như thế nào. Nhìn ở góc độ này sẽ hiểu tại sao trong giai đoạn gần đây, mặc dù TT tăng mạnh, nhưng cảm nhận của NĐT vẫn là khó kiếm lời hơn.

Với những diễn biến xấu của TTCK kể từ tháng 4-2018, thanh khoản bị co hẹp dần, trong khi TT vẫn có những thương vụ phát hành, niêm yết mới, dẫn đến tỷ trọng giá trị giao dịch trong năm/vốn hóa rơi xuống thấp hơn nữa, chỉ đạt khoảng 20%. Con số quanh 20% cũng là con số đo lường được trên HoSE ở thời điểm năm 2011-2012, khi TT diễn biến xấu. Các TT khác trong khu vực như: Thái-lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… có hệ số trên cao hơn rất nhiều.

Một nguyên tắc được áp dụng phổ biến để nhận định diễn biến TT, đó là xem xét khi TT tăng có sự đồng thuận của các nhóm ngành, của toàn bộ TT hay không. Trong bối cảnh thanh khoản kém và sự gia tăng dòng tiền không bắt kịp sự gia tăng vốn hóa, dòng tiền không thể trải đều được trên quy mô rộng. Sự thật này là hiển nhiên. Do vậy, ngay cả trong những giai đoạn VN Index tăng rất mạnh như cuối năm 2017, đầu năm 2018, sàn CK vẫn trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. Còn khi chỉ số giảm thì đương nhiên sàn trong sắc đỏ.

Ðây là thực tế và dòng tiền vào dù tốt đến đâu thì để gánh số lượng rất lớn vốn hóa như hiện tại vẫn chưa đủ sức.