Vị thế tiên phong

20 năm qua, đã có rất nhiều biến động trong hoạt động của 5 công ty chứng khoán (CTCK) đầu tiên trên thị trường (TT), từ thay tên, đổi chủ, đến dịch chuyển vị thế…

Có một điều chắc chắn là BSC, BVSC, SSI, TLS hay Chứng khoán Đệ nhất (nay là Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam) giờ đã rất khác so lúc mới ra đời cách đây 20 năm. Giữa năm 2012, TLS công bố đổi tên thành MBS, động thái này xuất hiện cùng với giai đoạn tái cấu trúc hoạt động mạnh mẽ. Còn nhớ, đỉnh điểm của MBS là giai đoạn 2009 - 2010, MBS và SBS (CTCK Sacombank) đã khuấy đảo TT, chiếm lĩnh thị phần của nhiều “ông lớn” khác, nhưng kèm với đó là những rủi ro trong hoạt động, cụ thể hơn là trong mảng margin, khi đó cũng chưa được luật hóa.

Nếu như MBS chỉ đổi tên, trong khi cơ cấu cổ đông cũng không mấy thay đổi khi MB vẫn là cổ đông lớn cho đến giờ thì đến năm 2017, thương hiệu Chứng khoán Đệ nhất đã chính thức thuộc về Yuanta, tập đoàn chứng khoán lớn nhất của Đài Loan (Trung Quốc). Sau khi sở hữu 100% vốn của Đệ nhất, Yuanta cũng đã đổi tên thành CTCK Yuanta Việt Nam và nhanh chóng tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Thật ra, nhắc đến Đệ nhất chỉ những người tham gia TT với thâm niên từ 15 năm trở lên mới nhớ, trong khi số người này hiện cũng không có quá nhiều. Bởi lẽ từ khoảng năm 2006 trở đi, đã có quá nhiều cái tên mới “xưng hùng” như: VCBS, VN Direct, Rồng Việt… trong khi Đệ nhất càng hoạt động càng đuối và chìm vào quên lãng.

SSI có lẽ là trường hợp đổi tên hoành tráng nhất khi vào năm 2018, cái tên CTCK Sài Gòn được đổi thành CTCK SSI nhằm hướng đến sự thuận tiện trong việc nhận diện thương hiệu và tiếp tục nâng tầm SSI trên TT tài chính quốc tế.

10 năm trước, trừ Đệ nhất bị đuối sức, cả BVSC, BSC, SSI và TLS (MBS hiện nay) vẫn duy trì được vị thế của các “già làng” và bộ tứ này cũng tận dụng rất tốt cơ hội từ sóng giai đoạn 2006 - 2007 nhưng trong gần một thập kỷ gần đây đã có sự phân hóa rất mạnh mẽ. Sự phân hóa không nằm ở việc phân chia ngôi thứ bởi thị phần và vị thế của CTCK hiện nay không như trước, rất khó có một đơn vị có thể bao trùm tất cả các mảng như ngày xưa. Chẳng hạn, SSI có thể chiếm ưu thế tuyệt đối về thị phần trên TT cơ sở với rất nhiều quý liên tiếp dẫn đầu như trong mảng phái sinh, sự cạnh tranh rất sôi động với VN Direct, VPS... Và rõ ràng, dù là “đồng niên” nhưng việc chững lại một thời gian đã khiến BSC, MBS và BVSC hiện nay buộc phải tìm những cách thức khác để phát huy vị thế của mình.

BSC có thể xem là “già” nhưng hiện nay lại là một trong những CTCK tiên phong trong việc áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như cung cấp tiện ích cho khách hàng. Chiến lược của BSC thoạt nhìn có vẻ không nổi bật nhưng thật ra lại khá “chất” khi đây cũng là CTCK tiên phong trong việc đưa những báo cáo phân tích có tính thực dụng cao cho khách hàng bằng những khuyến nghị rất trực diện.

Trong khi đó, BVSC cũng đang tích cực những hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập bằng cách nhấn vào thế mạnh trong nghiệp vụ tư vấn doanh nghiệp, điều đã được tích lũy trong rất nhiều năm. MBS sau khi đổi tên cũng đã tăng cường các dịch vụ cho khách hàng thông qua việc cá nhân hóa, tối ưu hóa lợi ích của từng cá nhân theo hình thức bán lẻ. 20 năm có thể là khoảng thời gian dài để khiến nhiều đơn vị trở nên già cỗi, nhưng cũng chỉ có thể là khởi đầu cho những CTCK có tham vọng tiếp tục vươn mình.