Vị thế ETF “nội”

Nửa thập kỷ trước, quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam là VFMVN30 ETF (E1VFVN30) ra đời với số vốn 202 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tuần qua, danh mục đầu tư của quỹ này đã có giá trị lên đến gần 6.330 tỷ đồng, tức là đã tăng hơn 30 lần so ban đầu.

Nếu quy đổi ra USD thì E1VFVN30 có quy mô đạt khoảng 272 triệu USD, xấp xỉ một quỹ đầu tư nước ngoài có thâm niên tham gia thị trường (TT) Việt Nam là FTSE Vietnam ETF (khoảng 291 triệu USD). Nếu như năm 2018 ghi dấu ấn những quỹ trong nước, đặc biệt là các quỹ trái phiếu trong nước như BVBF của BaovietFund, hay VFMVFB của Vietfund thì năm nay E1VFNVN30 lại là một dấu ấn mới của các quỹ trong nước. Những thành quả này đã khẳng định rằng, đã đến lúc, ngành quản lý quỹ trong nước có thể cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài.

Trước tiên phải nói rằng, việc lập một quỹ ETF nội địa không phải là điều gì đó quá khó bởi đặc điểm giao dịch của các quỹ dạng này là xây dựng danh mục, mô phỏng TT bằng cách giải ngân vào các cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa lớn. Sau khi Vietfund thành lập E1VFVN30 thì đến lượt SSI AM cũng cho “ra lò” ETF SSIAM VNX50. Điều đó cho thấy trong nước hiện nay có nhiều công ty quản lý quỹ (CTQLQ) đủ uy tín, trình độ nghiệp vụ để thành lập ETF. Vấn đề ở đây là cách thức vận hành như thế nào để đem lại hiệu quả cho các CTQLQ lẫn các nhà đầu tư (NĐT).

Trước tiên, cần phải biết là dù hướng đến NĐT trong nước, được lập bởi CTQLQ trong nước nhưng E1VFVN30 thu hút được cả những NĐT quốc tế. Chẳng hạn, đầu năm 2018, khi dòng vốn Hàn Quốc đổ rất mạnh vào Việt Nam thì không ít NĐT đến từ xứ sở Kim Chi đã chọn việc giải ngân thông qua E1VFVN30 thay vì mua bán trực tiếp trên sàn. Rồi năm nay, quỹ ETF này lại đón thêm dòng vốn từ Thái-lan. Mô hình như nhau, quy mô như nhau, rõ ràng, khả năng “bán hàng” tốt cộng với lịch sử hoạt động đủ thuyết phục đã giúp các ETF trong nước khẳng định uy tín. Yếu tố thuyết phục ở đây có lẽ nằm ở sự linh hoạt, am hiểu TT trong nước.

Mặt khác, quy mô vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng lớn nên các kênh cũng được hưởng lợi chung khi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn. Ở đây có một chi tiết khá thú vị, nếu từ năm 2017 trở về trước, các kỳ rà soát, cơ cấu danh mục của các quỹ ETF nước ngoài thường khiến TT biến động mạnh vào cuối phiên thì nay, các quỹ ETF trong nước cũng hoàn toàn làm được điều đó. Chính nhờ vậy, cái nhìn của NĐT trong nước với ETF trong nước cũng khác trước rất nhiều.

Trước đây, khi chưa có ETF nội địa, đã có những tin đồn về việc NĐT trong nước tìm cách mua chứng chỉ của ETF nước ngoài. Ở đây không bàn đến tính xác thực thông tin, nhưng nó cho thấy nhu cầu liên quan đến ETF luôn luôn có, ổn định và nếu NĐT trong nước dần quen với loại hình này, và các quỹ trong nước cũng thể hiện tốt hoạt động thì các nguồn vốn đến một lúc nào đó cũng có thể tăng nhanh. Chưa kể, khi các ETF trong nước thể hiện được vị thế, họ sẽ trở thành đối trọng để cân đối cung - cầu trên TT với các ETF nước ngoài, tránh việc TT bị nhiễu bởi một nhóm các quỹ nước ngoài.