Từ phù hợp đến đồng thuận

Những giải pháp mới trên thị trường chứng khoán (TTCK) khi được xem xét đều nhận được những ý kiến phân tích, phản biện. Nhưng vấn đề cốt lõi sẽ nằm ở sự phù hợp của công tác truyền thông, lắng nghe và quyết đoán từ phía cơ quan quản lý.  

Chơi “hàng hiệu” phải có… trăm triệu?

Những ngày qua, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã tranh luận về việc nâng lô cổ phiếu (CP) tối thiểu tại sàn HoSE từ 100 thành 1.000. Một ước tính sơ bộ cho thấy, động thái này có thể giảm gần phân nửa số lượng lệnh giao dịch và từ đó giảm tải luôn sức ép cho hệ thống. Nhưng ngay lập tức cũng có ý kiến từ phía NĐT cá nhân rằng, việc nâng lô như vậy sẽ ảnh hưởng khả năng tiếp cận những CP giá cao kiểu như MWG (giá hơn 130.000 đồng/CP), NTC (giá hơn 260.000 đồng/CP) hay SAB (hơn 180.000 đồng/CP)… 

Nếu muốn sở hữu NTC, NĐT sẽ phải có ít nhất 130 triệu đồng, sau đó vay ký quỹ (margin) công ty chứng khoán (CTCK) thêm 130 triệu đồng nữa (tỷ lệ 50%) thì mới mua đủ một lô CP tối thiểu. Điều này cũng đồng nghĩa những NĐT có vốn “dưới trăm triệu” sẽ khó có cơ hội chơi “hàng hiệu” mà thực tế thì số lượng những NĐT ở nhóm này không phải ít trên TT. Nhưng với trường hợp này, không phải là không có giải pháp, đó là việc xuất hiện những quỹ đầu tư rót vốn vào nhóm CP này, sau đó lại phát hành chứng chỉ quỹ (CCQ) cho các NĐT mua vào. Với cách làm này thì các quỹ đầu tư có thể “chia nhỏ” CP để giúp NĐT cá nhân sở hữu một cách gián tiếp.  

Nhìn dài, khai thông

Thực tế chỉ ra rằng, từ việc gia tăng thời gian giao dịch từ chỗ chỉ có buổi sáng có thêm phiên chiều, chia nhỏ bước giá CP, ban đầu khi áp dụng vẫn nhận được những sự e dè của NĐT nhưng thời gian cho thấy đây là những giải pháp đúng đắn. Giải pháp nâng lô giao dịch khi được đưa ra, cũng rất đáng để xem xét nhiều khía cạnh, tuy nhiên có một điều chắc chắn đó là tiêu chí phục vụ và quyền lợi cho NĐT cần được bảo đảm ở mức cao nhất. 

Nói đơn cử nếu xem việc có CCQ dành cho CP thị giá cao (hơn 100.000 đồng/CP) là giải pháp giúp NĐT cá nhân có thể sở hữu gián tiếp thì cần phải được thực thi một cách mau chóng và song hành với giải pháp nâng lô CP. 

Mục tiêu của bất cứ giải pháp nào cũng là việc bảo đảm quyền lợi cho NĐT, cho toàn TT và hỗ trợ tốt nhất trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Thực hiện, không thực hiện hay thực hiện vào thời gian nào cần có cách truyền thông cụ thể, chi tiết và dễ hiểu đủ để NĐT có thời gian “ngấm” và chấp thuận. 

Mặt khác, cũng cần nhìn thấy vấn đề thực tế ở đây là thanh khoản của TT từ chỗ chỉ 5.000 tỷ đồng/ngày đã là đủ để các CTCK cảm thấy hài lòng thì chỉ trong năm 2020 đã tăng gấp ba lần, lên 15.000 tỷ đồng/ngày. Như vậy, cũng không loại trừ khả năng thanh khoản sẽ lại có những biến động bất ngờ nữa và những giải pháp cần có cả dự báo cho những kịch bản như vậy và tất nhiên cũng nên truyền thông rộng rãi đến các NĐT.