Trực tuyến hoàn toàn

Tuần qua, Công ty chứng khoán (CTCK) SSI cho biết, đã chuyển hoạt động hai chi nhánh tại Vũng Tàu và Nha Trang sang mô hình dịch vụ trực tuyến hoàn toàn, nằm trong chiến lược chuyển đổi số mà đơn vị này đang thực hiện.

Không chỉ có SSI mà nhiều CTCK khác cũng đang hướng đến mô hình này khi “online hóa” tất cả các hoạt động như nộp/rút tiền, lưu ký chứng khoán, nhận cổ tức, ghi sổ cổ đông… Nói về việc chuyển đổi trực tuyến của CTCK, hay gián tiếp “khai tử” mô hình chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống sẽ thấy giữa các CTCK không có nhiều sự đồng nhất, thậm chí là loanh quanh, lòng vòng trong việc thực hiện. Nhìn vào thị trường trong khoảng 15 năm qua, sẽ thấy có ít nhất ba đợt CTCK mở rộng rồi lại thu hẹp mạng lưới, bao gồm 2006 - 2007 là thời kỳ bùng nổ đầu tiên; sang đến 2010 - 2012 là giai đoạn chuyển đổi CTCK từ tự doanh sang môi giới làm chủ đạo; rồi đến giai đoạn 2016 - 2018 là đợt bùng nổ thứ hai của thị trường cho đến thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi của rất nhiều khách hàng.

Thẳng thắn mà nói thì nhiều CTCK trước đây vẫn chưa quyết liệt, vì một số lý do mà vẫn thích giữ mô hình truyền thống dù thực tế hệ thống của mình đã có hàm lượng chuyển đổi số rất cao. Chẳng hạn như một CTCK vốn nước ngoài trong giai đoạn đàm phán để chuyển nhượng cổ phần cho CTCK khác đã tăng cường mở các chi nhánh để khi “chào hàng” còn giới thiệu có hệ thống rộng khắp các tỉnh thành, nhưng đến khi bán vốn xong, chủ mới xuất hiện thì các chi nhánh này cũng dần dần bị đóng cửa. Vài năm gần đây, khi vốn nước ngoài đổ vào các CTCK nhiều hơn, cũng là lúc một số chi nhánh mọc ra, dù rằng lượng khách chưa chắc đã tương xứng độ hoành tráng của các chi nhánh. Nếu xem đây là một loại chi phí để làm thương hiệu, khẳng định sự bề thế của các tập đoàn mẹ, vốn nước ngoài, mở chi nhánh để “oách” cũng được, nhưng nếu đánh giá đây là sự lãng phí chưa hẳn đã sai, bởi lẽ số người đến sàn hiện nay khá thưa, phần lớn là những nhà đầu tư có tuổi, đi theo thói quen, hoặc một số người mới tập tành tìm hiểu chứng khoán.

Dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi đầu tư, kinh doanh và tất nhiên cũng góp phần giúp các CTCK quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi số. Hiện nay, trừ khâu thẩm định khách hàng, mỗi CTCK sẽ có chính sách khác nhau, còn lại, từ việc nộp tiền, rút tiền, giao dịch, thậm chí xử lý sự cố nếu có, khách hàng đều có thể tự làm. Thậm chí, có rất nhiều tài khoản hiện nay là khách hàng “tự chơi” mà không do một môi giới nào quản lý. Trước đây, có thể vì CTCK sở hữu một quỹ đất đẹp, thì việc dựng lên một phòng giao dịch hay chi nhánh để khai thác, vừa để làm thương hiệu có thể là một giải pháp phù hợp. Nhưng hiện nay, việc vận hành một phòng giao dịch có thể tốn kém khá nhiều chi phí, trong khi khách hàng có thể ngại đến sàn hơn nên việc số hóa là bắt buộc.

Cũng phải nói thêm rằng, không phải phòng giao dịch hay chi nhánh nào cũng sẽ “số hóa”, mà sẽ trở thành một “trung tâm” nếu cần. Chẳng hạn như chi nhánh quận 3 (TP Hồ Chí Minh) của CTCK Phú Hưng hiện nay không chỉ là nơi phục vụ khách hàng giao dịch, mà còn là nơi làm việc của nhiều bộ phận khác nhau, có cả chức năng huấn luyện, tập huấn cho nhân viên.

Ông Trí Lê, Giám đốc Chi nhánh quận 3 của CTCK Phú Hưng cho biết, bản thân các chi nhánh nếu muốn duy trì sẽ phải tối ưu hóa bài toán thu chi, trong đó không thể không có việc số hóa các hoạt động, quy trình nghiệp vụ một cách chuẩn mực nhất để khi cần vẫn có thể trực tuyến toàn phần.