Trong ấm, ngoài mới êm

Chưa cần phân định đúng/sai trong cuộc xung đột giữa ban lãnh đạo Coteccons (CTD) và cổ đông (CĐ) lớn Kusto cũng có thể thấy lợi ích chung tại CTD đã bị ảnh hưởng.

Những xung đột nội bộ, vốn được xem là “đại kỵ” trong mắt các CĐ vì thường đem lại kết cục không lấy gì làm tốt đẹp cho tất cả các bên. CĐ nhỏ lẻ, tất nhiên bị tổn hại, DN bị ảnh hưởng vì những người đứng đầu chỉ lo đấu đá với nhau, nhưng chính kẻ thắng trong cuộc đối đầu cũng chưa chắc đã được hưởng lợi.

Thử nhìn lại một số trường hợp “đấu đá” từng gây ra ấn tượng xấu trong lịch sử để thấy kết cục các bên như thế nào?

Khoảng chục năm trước, đại diện một quỹ đến từ châu Âu đã khơi nguồn cho một cuộc đấu khẩu kéo dài từ sáng đến chiều tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) một doanh nghiệp (DN) đầu ngành trong lĩnh vực nguyên liệu cơ bản. Sau đó, người này cũng thường có ý định “liên kết” các nhóm CĐ để tạo áp lực tại một số ĐHCĐ của các DN khác. Nhưng tính tại thời điểm hiện tại thì quỹ này đã… giải tán, còn vị chuyên gia ở quỹ kia thì cũng biệt tích trong ngành chứng khoán. Đó là chuyện của bên thua, còn phía kẻ thắng chưa chắc đã hay ho gì, tiêu biểu có thể kể ra một nhóm CĐ lớn, khoảng một thập kỷ trở về trước rất ưa chuộng việc thâu tóm các DN trong ngành xây dựng và các lĩnh vực có liên quan. Ngặt nỗi, sau khi thâu tóm xong, tiếp quản được DN thì hoạt động sau đó lại đi xuống và ít nhất cũng có vài DN bị nhóm CĐ này thâu tóm đã phá sản. Vậy nên cuối cùng việc chiến thắng trong việc sở hữu DN xem ra vô nghĩa.

Dân làm quỹ đầu tư lâu năm có chia sẻ với nhau, có những DN nhìn ở ngoài có vẻ “ngon”, số liệu công bố hoành tráng, giá cổ phiếu (CP) thì biến động, tăng nhiều phiên, nhưng thực tế lại không quá rực rỡ như vậy. Lý do nằm ở chỗ, CP của những DN này chủ yếu dành cho CĐ, nhà đầu tư nhỏ lẻ lướt sóng, còn CĐ lớn thường tránh xa bởi lẽ lãnh đạo của một số DN kiểu này quá “lọc lõi” chỉ tìm cách khai thác tối đa lợi thế từ CĐ lớn, còn lợi ích đem lại thì gần như không có.

Chẳng hạn, khi quỹ nước ngoài mới đến tìm hiểu, chưa giải ngân thì đã công bố bên ngoài là quỹ nước ngoài sắp mua vào cốt để giá CP tăng, có lợi cho CĐ nội bộ, nhưng đồng thời làm lộ bí mật đầu tư của các quỹ. Hoặc cũng có trường hợp trước khi có quỹ nước ngoài tham gia, DN liên tục báo lợi nhuận khả quan, nhưng sau khi có CĐ chiến lược, tình hình lập tức bị chững lại, DN không chia cổ tức… Lúc này, quỹ có hai sự lựa chọn, hoặc tìm cách gây áp lực lên ban lãnh đạo DN, nhưng lại “sợ thua” và nếu thua mất uy tín; lựa chọn thứ hai là rút êm, để dù mất tiền rồi thì cũng đỡ mất tiếng. Trong trường hợp này, thoạt nhìn DN có vẻ là bên thắng, nhưng về sau thì “điều tiếng” nhiều không kể xiết.

Các quỹ đầu tư theo thông lệ, thường né tránh những DN “có vệt” trong việc lợi dụng CĐ. Cũng vẫn có những quỹ “liều mình” tham gia về sau, nhưng thường cũng tìm cách rút sớm sau khi đã đạt được lợi ích ngắn hạn là giá CP tăng, mà khi DN để CĐ lớn “ra vào” như đi chợ cũng sẽ bị đặt dấu hỏi về khả năng huy động vốn cũng như các nguồn lực.