Trái đắng từ sự ngây thơ

Vụ việc cổ phiếu (CP) FTM (Fortex) lao dốc hơn 20 phiên khiến hàng chục công ty chứng khoán (CTCK) cấp margin bị thiệt hại vì cấp vốn margin có thể gây sốc với một số nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia thị trường (TT) trong vài năm gần đây nhưng với những ai có thâm niên thì không hề lạ lẫm.

Khoảng chục năm trước, có nhóm NĐT VIP đi siêu xe, đến mở tài khoản tại một số CTCK lớn để giao dịch CP ngành nhựa. CP này sau đó tiếp tục tăng giá mạnh và nhóm NĐT VIP này vay margin với tỷ lệ cao để mua vào và tiếp tục đẩy giá cao hơn.

Nhưng bất ngờ giá CP đạt đỉnh và bị xả hàng liên tục, xuống đến ngưỡng xử lý an toàn (trigger), một số CTCK vẫn không thể giải chấp để thu hồi lại vốn margin. Hiểu một cách đơn giản, nếu NĐT bỏ ra một đồng, vay thêm bốn đồng để mua CP giá 5 đồng, thì chỉ cần giá CP giảm 20%, xuống bốn đồng thì NĐT mất trắng, nếu giảm tiếp xuống ba đồng, thì CTCK âm (-) một đồng. Vào thời điểm đó, dù không công khai, những dân CK đều xem đây là bài học điển hình (case study) cho việc mắc bẫy từ các nhóm NĐT đẩy giá và “gài” xả hàng để CTCK lãnh đạn.

Bài học này một lần nữa lặp lại với trường hợp của FTM mới đây khi CP này có thanh khoản lên đến hàng triệu CP mỗi phiên, và khi chưa có dấu hiệu gì bất thường trong hoạt động kinh doanh thì CTCK sẵn sàng cấp margin và ước đoán tổng số vốn margin có thể lên đến khoảng 200 tỷ đồng.

Thử lấy giá vùng đỉnh là 25.000 đồng/CP và thanh khoản cực đại là 1 triệu CP/phiên thì giá trị giao dịch của FTM sẽ là 25 tỷ đồng/phiên. Một CP chỉ có thanh khoản 25 tỷ đồng nhưng dư nợ 200 tỷ đồng có thể gây hốt hoảng cho nhiều NĐT vì nếu phải bán thu hồi vốn thì sẽ phải mất đến 8-10 phiên. Nhưng đó là trong điều kiện lý tưởng, kể từ khi FTM giảm thì cũng chỉ vài phiên khối lượng giao dịch lên đến 1 triệu CP, đó là còn chưa kể giá đã mất hơn 80%. Nói đến đây sẽ thấy sự “ngây thơ” từ phía các CTCK trong việc quản trị rủi ro margin.

Thực tế, 200 tỷ đồng margin không hề lớn nếu chia cho hơn chục CTCK vì lúc nãy mỗi công ty chỉ cho vay trung bình khoảng 20 tỷ đồng. Con số này ngang với thanh khoản của FTM, và cũng chiếm phần nhỏ so tổng nguồn vốn margin, nhưng sự “ngây thơ” ở đây đó là các CTCK chỉ nghĩ có mình cho vay mà không thấy được rằng có hàng chục đơn vị khác cũng như mình và có thể tạo ra áp lực bán giải chấp cực lớn nếu có sự cố xảy ra. Sự ngây thơ, nếu không muốn nói là ngờ nghệch kế tiếp chính là những bài học 5-10 năm trước, vẫn xuất hiện trên TT, nhưng dường như các CTCK vẫn đánh liều mà thiếu đi sự thận trọng cần thiết.

Sự liều lĩnh dựa trên cơ sở là chỉ cần “có biến”, tức CP giảm sàn một phiên, thì sẽ đồng loạt xả hàng, tuy nhiên như đã nói ở trên, các CTCK đã không tính toán được hết những rủi ro có thể xảy ra như việc dồn toa margin hàng chục CTCK.

Mặt khác, đứng trước việc đột ngột cắt hoặc giảm margin, CTCK có thể mất luôn khách hàng, thậm chí khách VIP nên sự chần chừ, hoặc nhắm mắt cho qua cũng có thể xuất hiện. Đã có những trường hợp CTCK “ngây thơ” nhưng sống sóng thành công, nhưng cũng có những trường hợp như FTM xảy ra và phải lãnh quả đắng.