Thích nghi để tồn tại

Ngành quản lý quỹ (QLQ) trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang chia làm hai thái cực rõ rệt, vừa khó khăn, vừa thuận lợi. Để có thể tồn tại, các quỹ cần phải có sự thực dụng và linh hoạt tối đa.

Giám đốc một công ty QLQ có quy mô hơn 100 tỷ đồng chia sẻ, trong số những nhà đầu tư (NĐT) bỏ vốn vào quỹ của anh, có người tham gia với giá trị khá lớn, nhưng đề ra yêu cầu ngay từ đầu là sẽ… không trả phí quản lý (chiếm 1% tổng tài sản) mà chỉ trả phí dựa vào lợi nhuận tạo ra.

Thoạt nghe, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, nếu không có phí quản lý thì quỹ… lấy gì sống, lợi nhuận thì không phải lúc nào cũng có. Phải chăng việc NĐT bỏ vốn kiểu này là quá thiệt thòi cho quỹ?

Cần biết rằng, một trong những lợi thế của quỹ là quy mô vốn, vốn càng lớn, sẽ linh hoạt hơn trong giải ngân, có cơ hội tham gia những thương vụ lớn. Vì vậy, dù không thích thì các quỹ cũng phải “cắn răng” chấp nhận yêu cầu này. Tất nhiên, vì không có phí quản lý, nên phí từ lợi nhuận của quỹ cũng sẽ phải cao hơn, nhưng nhờ cách này các nhà quản lý sẽ có động lực hơn để mua - bán danh mục hiệu quả.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SSI phân tích: “Mô hình huy động vốn của quỹ đóng trước đây là đưa ra những định hướng, chiến lược rồi sau đó huy động, khi đủ quy mô thì mới tiến hành giải ngân. Hiện nay, quỹ mở trở thành mô hình phổ biến, NĐT có thể bỏ vốn từng phần, tham gia theo nhiều giai đoạn. Theo đó, các quỹ phải tìm kiếm được mục tiêu đầu tư cụ thể, triển khai một kế hoạch đầu tư khả thi và thuyết phục được những người bỏ vốn thì tiền mới về. Đây là một cách làm thực tế và buộc các công ty QLQ phải chuyển mình để thích nghi. Đơn vị nào thích nghi được sẽ tiếp tục phát triển, nếu không sẽ phải giải quyết nhiều thách thức”.

Mô hình mới này đòi hỏi các đơn vị QLQ phải sâu sát hơn trong việc thẩm định, đầu tư và quản lý danh mục. Các nhà QLQ sẽ phải theo từ đầu đến cuối nhằm bảo đảm các khoản đầu tư của mình, doanh nghiệp mình đang giải ngân phát triển đúng hướng. Đây là cách thức chuyên sâu hơn hẳn việc chỉ đầu tư tài chính, mua bán trên sàn trước đây.

Trường hợp của VinaWealth có thể xem là điển hình cho sự thiếu thực tế dù có rất nhiều lợi thế ban đầu. VinaWealth là công ty QLQ đầu tiên triển khai quỹ mở trái phiếu nhưng cuối cùng lại sa sút để rồi mất vị thế. Cách đây bốn năm, VinaWealth triển khai hợp tác với ngân hàng để phân phối chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, giải pháp này không hiệu quả ngay lập tức. Sau đó, thay vì tập trung vào đầu tư, VinaWealth lại chuyển sang tham gia chứng chỉ tiền gửi để hưởng lãi suất hấp dẫn tại các công ty tài chính và bị xử phạt. Sự thiếu nhất quán, thiếu tập trung đã dẫn đến hoạt động của VinaWealth sa sút không phanh.

Giờ đây nói đến quỹ mở, người ta chỉ biết đến những cái tên như: BaovietFund, VFM… và không mấy ai nhớ đến sản phẩm của VinaWealth dù đây là đơn vị hoạt động tiên phong trên thị trường.