Thị trường sẽ đi ngang?

Thị trường chứng khoán (TTCK) đi qua tháng 5 với những diễn biến không tệ khi hội chứng “Sell in May” đã không diễn ra. Chỉ số VN Index được dự báo sẽ đi ngang trong tháng 6 và đây là nhịp tích lũy cho giai đoạn nửa cuối năm.

Chịu ảnh hưởng từ diễn biến điều chỉnh của TTCK toàn cầu, cũng như mức giảm sâu của giá dầu thế giới, TTCK Việt Nam đã có những phiên điều chỉnh, đặc biệt phiên điều chỉnh mạnh ngày 24-5 khiến chỉ số VN Index xóa đi toàn bộ mức tăng đạt được trước đó. Mặc dù vậy, so sánh tương quan TTCK toàn cầu, TTCK Việt Nam nhìn chung vẫn có diễn biến tương đối tích cực nhờ tâm lý ổn định của nhà đầu tư (NĐT) trong nước.

Trong bối cảnh áp lực bán của khối nước ngoài là tương đối lớn trong các phiên gần đây, khối NĐT trong nước vẫn khá tự tin mua vào, giúp TT ngăn được đà rơi mạnh. TT đã tạm cân bằng trở lại sau phiên giao dịch đầu tuần qua với mức tăng nhẹ và thanh khoản thấp hơn phiên giảm điểm trước đó. Dòng tiền vẫn vận động tích cực để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn mặc dù các rủi ro, bất ổn vẫn đang khá lớn. Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp thu hút dòng tiền khá tốt và luôn tăng nổi bật nhờ triển vọng trung và dài hạn khả quan khi làn sóng FDI vào Việt Nam tích cực.

Trong ngắn hạn, có lẽ TT sẽ xuất hiện các nhịp phục hồi đan xen các nhịp điều chỉnh, do đó có thể kỳ vọng VN Index phục hồi trở lại.

Với kịch bản lạc quan, kể cả trong trường hợp mức hồi phục có thể không vượt qua được vùng 980 điểm thì việc chỉ số VN Index đi ngang quanh mốc 970 điểm đã là một thành công trước áp lực bán của NĐT nước ngoài vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. TT cần tiếp tục được củng cố và đồng pha bởi các nhóm dẫn dắt, đặc biệt là cần ủng hộ khi NĐT nước ngoài giảm áp lực bán ròng hoặc có thể tích cực quay lại mua ròng.

Thậm chí, giới chuyên môn kỳ vọng chỉ số VN Index có thể cán mốc 1.000 điểm vào đầu tháng 6 và sau đó sẽ đi ngang với biên độ dao động không lớn. Dòng tiền trên TT đang có xu hướng dịch chuyển sang nhóm midcap và smallcap khi nhóm này ghi nhận ba tuần tăng liên tiếp, và sẽ tiếp tục là nhóm thu hút dòng tiền trong thời gian tới.

Với nhiều NĐT, chiến lược hợp lý trong ngắn hạn vẫn có thể là ưu tiên lướt sóng. Cần có tâm lý vững vàng vì sóng CP trong thời gian qua khá ngắn nên nếu tính sai hoặc cắt lỗ chậm, NĐT có thể phải trả giá.