Sáng tạo nhưng đừng quá đà

Từ chỗ chỉ phát hành cổ phiếu (CP) hoặc vay ngân hàng (NH), các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn đã và đang có những giải pháp huy động vốn mới là phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hoặc phát hành CP ưu đãi.

Dù đây được xem là những giải pháp linh hoạt, thậm chí, là sự sáng tạo để có thể huy động vốn, nhưng cũng cần xem xét từ nhiều phía. Đối với nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, nếu chỉ nhìn vào những điểm tích cực thì chưa hẳn đã thấu đáo vì phương án nào cũng luôn tồn tại những rủi ro nhất định.

Tính đến thời điểm này, việc phát hành TPDN nằm chủ yếu ở các DN lớn, có thương hiệu hoặc vị thế đầu ngành. Sự lựa chọn của bên mua cũng tương đối khắt khe nên hiện TPDN đang được xem là kênh huy động vốn tốt. Nhưng cẩn trọng là không thừa bởi lẽ sau các DN lớn, có thể đến những DN quy mô vừa hoặc nhỏ cũng tính đến phương án phát hành TPDN. Việc những NĐT tổ chức hay cá nhân VIP mua TPDN và có lãi tương đối hấp dẫn, có thể lên đến 14%/năm, kéo theo một số NĐT khác cũng chạy theo. So những năm trước đây, việc mua vào TPDN đã dễ hơn rất nhiều khi nhiều môi giới chứng khoán hiện nay cũng rất tích cực phân phối mặt hàng này.

Điểm mấu chốt hấp dẫn các NĐT tham gia kênh TP chính là lãi suất cố định hấp dẫn, có thể cao hơn gấp rưỡi so gửi tiết kiệm. Nhưng có lẽ các trái chủ, ngoài việc quan tâm lãi TPDN cũng cần xem xét cả tiềm năng của DN về mặt dài hạn, sáu tháng hay một năm tất nhiên chưa nói lên được điều gì, mà cần phải dài hơi hơn. Cũng phải đề cập thêm ở khía cạnh chuyển nhượng, bởi lẽ không phải NĐT nào cũng mua TP và giữ để hưởng lãi mà còn có thể chuyển nhượng nếu cần thiết. Ngoài lãi suất, thương hiệu, nền tảng của DN cũng góp phần quan trọng để tạo nên giá trị cho TPDN.

Gần đây, một DN trong ngành mía đường đã phát hành CP nhưng là CP ưu đãi cho một tổ chức tài chính ở châu Âu với giá 30.000 đồng/CP trong khi giá trên sàn chỉ khoảng 16.000 đồng/CP. Được biết, cổ đông (CĐ) giữ CP ưu đãi này được hưởng cổ tức cố định 5,5%/năm trong 1,5 năm đầu tiên và các năm tiếp theo sẽ được thỏa thuận giữa CĐ này và phía DN. Số lượng CP ưu đãi này không có quyền biểu quyết nhưng có thể được chuyển đổi thành CP phổ thông với giá chuyển đổi không quá 38.000 đồng/CP.

Đây không phải là chuyện hiếm gặp trên sàn khi giá phát hành cho đối tác cao hơn giá trên sàn, nhưng sẽ là vội vã nếu cho rằng đây là “kèo thơm” và có thể tận dụng cơ hội để hưởng lợi. Mức độ chịu đựng rủi ro hay thời gian nắm giữ của NĐT cá nhân khác với NĐT tổ chức.

Nhiều người lập luận rằng, giá của đối tác ngoại mua cao hơn hẳn giá trên sàn hẳn phải có lý do và đặt ra giả thiết về khả năng giá trên sàn sẽ phải về bằng giá đối tác đã mua để đối tác không bị lỗ. Điều này có thể sai, cũng có thể đúng nhưng cho dù đúng thì cũng chưa chắc NĐT được hưởng lợi.

Thực tế, ngay cả những tổ chức tài chính lớn vẫn có khi sai lầm. Trong trường hợp giá trên sàn về lại bằng giá phát hành thì yếu tố thời điểm lại quyết định. Ban đầu có khi NĐT dự định mua để đợi nhưng cuối cùng không đủ kiên nhẫn đã bán ra, ngay sau đó giá CP lại tăng, đây cũng là những trường hợp thường xuyên xảy ra. Vì vậy, những sự sáng tạo trong huy động vốn hay linh hoạt trong chiến thuật giao dịch của NĐT là cần thiết nhưng cần tính đến yếu tố cẩn trọng, thay vì quá sa đà vào những kỳ vọng viển vông.