Quy luật của làn sóng thứ hai

Thống kê sơ bộ tại các thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc, Hàn Quốc hay Mỹ, khi làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại thì dù lo ngại có xuất hiện nhưng các chỉ số CK thường giảm chưa đến 10% và sau đó cũng đã phục hồi rất nhanh chóng.

Quy luật này một lần nữa được thể hiện tại TTCK Việt Nam. Còn nhớ vào thời điểm trước khi có ca lây nhiễm cộng đồng quay trở lại sau 99 ngày, VN Index còn ở mức xấp xỉ 860 điểm. Nhưng sau khi những ca lây nhiễm quay trở lại và được công bố từ ngày 25-7 đến nay, TTCK đã có một số phiên điều chỉnh. Mức đáy của VN Index cũng chỉ là 790 điểm vào ngày 29-7, nghĩa là VN Index mất khoảng 70 điểm so thời gian “trạng thái bình thường mới”, tương ứng 8%. Tuy nhiên, chỉ số này lại tiếp tục hồi phục lên đến gần 830 điểm, nghĩa là tỷ lệ điều chỉnh này còn thấp hơn rất nhiều. Đến đây cần đặt ra câu hỏi về quy luật, hay thông lệ “chưa đến 10%”  liên quan đến làn sóng thứ hai Covid-19.

Vì sao lại có quy luật này, dù rõ ràng khi Covid-19 quay trở lại sẽ tạo ra những áp lực, rủi ro nhất định lên mỗi quốc gia? 

Câu trả lời nằm ở việc sau giai đoạn đầu “choáng váng” vì một loại dịch bệnh mới, các quốc gia tất nhiên sẽ tìm cho mình những cách thức đối phó khác nhau, từ phong tỏa, dập dịch, cho đến điều chế vaccine… Càng về sau thường kinh nghiệm sẽ dày dạn hơn và hiệu quả chống dịch sẽ hiệu quả hơn. 

Đơn cử như trường hợp của Việt Nam, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt, nhưng linh hoạt để vừa bảo đảm khoanh vùng, khống chế dịch bệnh, nhưng cũng không làm đứt gãy nền kinh tế và những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện rất hiệu quả, bằng việc liên tục xét nghiệm trên diện rộng, những trường hợp nghi nhiễm, F1, F2… Khi những lo ngại về giãn cách xã hội trên diện rộng giảm xuống, cũng là lúc VN Index có diễn biến rất tích cực khi bứt phá khá xa khỏi vùng 800 điểm.

Nói riêng trường hợp tại Việt Nam, thực tế, so sánh với số ca nhiễm của nhiều nước đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai tính bằng hàng nghìn, thì con số của Việt Nam chỉ ở hàng trăm không có gì nghiêm trọng. Và rõ ràng là các chuyên gia, bác sĩ cũng như Chính phủ đã khẳng định đang kiểm soát tốt tình hình. Thậm chí, có chuyên gia nước ngoài còn cho rằng, Việt Nam sẽ không phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai, vì những con số này chưa thể tạo ra cái gọi là “làn sóng”.

Giám đốc một công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, những kinh nghiệm về khoanh vùng, dập dịch hiệu quả của đợt trước đã phát huy tối đa trong lần này và kỳ vọng của nhà đầu tư vẫn rất lớn vào sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Nói cách khác, những lo ngại liên quan đến Covid-19 đã được phản ánh từ trước đó và TTCK hiện nay chuộng về kỳ vọng, cho một tầm nhìn dài tích cực của Việt Nam hơn là việc dễ bị tổn thương vì những lo ngại ngắn hạn.

Có một điều khá thú vị, đó là rất ít công ty CK, chuyên gia phân tích dám mạnh dạn, thống kê, phân tích về mức độ ảnh hưởng của làn sóng thứ hai trên TTCK. Thay vào đó, là những khuyến nghị có phần thận trọng, thậm chí tiêu cực như hủy khuyến nghị của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS).