“Phát sốt” vì nguồn cung

Hàng loạt thương vụ lên sàn của nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) và một khối lượng lớn cổ tức bằng CP, cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa đang khiến các nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) có quá nhiều sự lựa chọn.

Nửa đầu tháng 10 vừa qua, TTCK đã có thêm 697 triệu CPNH được niêm yết trên UPCoM, trong đó có hơn 389 triệu CP mã NAB và 308 triệu CP mã SGB. Trước đó, từ tháng 7-2020, TTCK cũng đã tiếp nhận hơn 317 triệu CP mã BVB. Như vậy, chỉ tính riêng nhóm CPNH, từ đầu năm 2020 đến nay đã có hơn một tỷ CP đang được giao dịch. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn mở màn cho làn sóng lên sàn từ nay đến cuối năm của các NH, bởi theo Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến hết năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, 100% các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) sẽ phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.

Hiện, gần 1,18 tỷ CP mã MSB và 877 triệu CP mã OCB cũng đã được gửi hồ sơ niêm yết lên HoSE. Ngoài ra, 350 triệu CP của VietA Bank cũng có thể sớm được niêm yết trên UPCoM. Bên cạnh làn sóng lên sàn, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, các NH sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay để dành nguồn lực giải quyết các ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó tập trung giảm lãi suất hỗ trợ DN.

Hồi giữa năm 2020, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của HDBank (mã: HDB), các cổ đông đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng CP và CP thưởng với tổng tỷ lệ lên tới 65%. Ngày 7-10 vừa qua, HDBank đã công bố phát hành thành công gần 289,8 triệu CP để chia cổ tức và CP thưởng đợt 1 và dự kiến đến tháng 11 này sẽ hoàn tất việc niêm yết bổ sung lượng CP này tại HoSE. Cũng trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, hơn 498,8 triệu CP phát hành trả cổ tức của ACB đã chính thức được niêm yết bổ sung, nâng tổng số lượng CP mã ACB đang lưu hành lên gần 2,2 tỷ CP. Ngoài HDBank, ACB còn có nhiều NH khác như SHB, TPBank, MB... cũng đã hoàn tất phát hành, niêm yết bổ sung lượng lớn CP lên TTCK trong thời gian qua.

Một trong các yếu tố hỗ trợ xu thế tăng điểm của TTCK kể từ quý II đến nay được nhiều chuyên gia phân tích nhấn mạnh là yếu tố “tiền rẻ” khi lãi suất tiền gửi NH thường xuyên điều chỉnh trong xu thế giảm. Trong bối cảnh này, TTCK trở nên hấp dẫn hơn trong mắt NĐT bởi vốn thấp, tính thanh khoản cao. 

Thực tế, nguồn cung CP tăng mạnh là một trong những tín hiệu để xác định TT có đang ở giai đoạn đỉnh điểm hay không. Khi lượng CP trên sàn liên tục tăng, vượt qua sự tăng trưởng của dòng vốn có thể khiến TT bị kéo xuống. Diễn biến trên TT cho thấy, không phải “hàng mới” nào cũng hấp dẫn NĐT. 

Còn đối với các đơn vị phát hành CP tăng vốn, quá khứ cho thấy nhiều NĐT phải nhận trái đắng khi đu theo “game” tăng vốn bởi giá CP bị pha loãng, DN lại kinh doanh không hiệu quả đẩy giá CP vào tình trạng bán tháo, nhiều NĐT mắc kẹt. Giả sử lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay, thậm chí có thể giảm thêm thì TTCK vẫn có khả năng hấp thụ thêm nguồn tiền mới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu sức hấp thụ đó có đủ lớn để tương đồng với làn sóng CP mới “đổ bộ” lên sàn trong hiện tại và sắp tới hay không?