Phân mảng ngành quỹ

Trước đây, nếu quỹ có quy mô vài triệu USD thì các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) sẽ nỗ lực gọi vốn để nâng lên mức chục triệu USD, và tương tự như vậy là hàng trăm triệu USD, nhưng tình thế bây giờ đã khác.

Các quỹ, hoặc các hình thái quỹ có quy mô 5 - 10 triệu USD đã và đang xuất hiện nhiều hơn và các CTQLQ thì vẫn vui vẻ chấp nhận. Trong khi đó, các quỹ chục triệu hoặc trăm triệu USD dù vốn có lớn nhưng chưa chắc đã dễ thở hơn.

Vì sao lại có hiện tượng này?

Trước tiên hãy bắt đầu từ vấn đề phí. Một thập kỷ trước tại Việt Nam, phí quản lý quỹ rơi vào tầm 2%/năm trên giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ, sau đó giảm xuống khoảng 1%/năm trên NAV cách đây 5 năm và bây giờ thực tế có khi còn dưới 1%, thậm chí là 0%. Có trường hợp khi nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ kèm luôn cả điều kiện không tính phí quản lý, chỉ tính phí thưởng nếu vượt qua một định mức sinh lời nhất định.

Khi phí giảm tất yếu các CTQLQ phải cắt giảm chi phí hoạt động, trong đó “ngốn” nhiều nhất chính là chi phí nhân sự. Đầu năm nay, một trong những CTQLQ lớn nhất thế giới là BlackRock, với khối tài sản quản lý tính đến giữa năm nay là 6.800 tỷ USD, cũng đã buộc phải cắt giảm đến 500 nhân sự. Tất nhiên, với các CTQLQ trong nước hoặc các CTQLQ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, sẽ không có đợt cắt giảm lớn nào như vậy, nhưng việc gia tăng nhân sự sẽ rất khó khăn. Mỗi nhân sự trong ngành QLQ sẽ phải làm nhiều việc hơn, và tất nhiên áp lực công việc cũng sẽ lớn hơn nhiều.

Từ đây dẫn đến hai hệ quả:

Thứ nhất là việc xuất hiện những quỹ với quy mô dưới 10 triệu USD, được quản lý chỉ bằng CTQLQ với vài nhân sự, nhưng “thiện chiến” lại hoạt động rất hiệu quả. Những quỹ này sẽ không thu hút nhà đầu tư đại chúng mà thông qua con đường quản lý tài sản cho khách VIP (wealth management) với chỉ vài khách hàng mà thôi. Theo chia sẻ từ chính những người trong cuộc thì chỉ cần một vài khách hàng, nhưng nếu có sự am hiểu lẫn nhau giữa CTQLQ và nhà đầu tư thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với số đông. Bởi lẽ, với các nhà đầu tư đại chúng, nếu số lượng càng đông, mỗi khi thị trường diễn biến không thuận lợi, áp lực lại càng lớn.

Thứ hai là sự tích hợp ngành QLQ của các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm. Theo đó, các định chế này đã và đang lập ra bộ phận tư vấn, quản lý tài sản cho khách hàng, nhờ có chi phí lớn, nên hoàn toàn có thể trả lương cho đội QLQ theo một cách khác với trong ngành, hoặc ít nhất cũng không chịu áp lực chi phí trong những giai đoạn đầu. Bộ phận quản lý tài sản của các định chế tài chính sẽ cung cấp một giải pháp tổng hợp cho khách hàng như việc phân bổ bao nhiêu cho mua bảo hiểm, rồi tiền gửi, chứng khoán hay bất động sản.

Có thể nói, những sự dịch chuyển trong ngành QLQ trong thời gian tới là rất đáng quan tâm. Sự phân mảng một cách khắc nghiệt sẽ buộc các đơn vị trong ngành phải đi theo hướng chuyên sâu hơn, hiệu quả hơn và vì thế mức độ cạnh tranh được dự báo sẽ còn diễn biến khốc liệt hơn trước rất nhiều.