Phái sinh & bước ngoặt của thị phần

Sau hợp đồng tương lai (HĐTL), thị trường phái sinh (TTPS) sắp có thêm chứng quyền có bảo đảm (CW), dẫn đến những cuộc đua cực kỳ thú vị về thị phần giữa các công ty chứng khoán (CTCK).

San lấp khoảng cách

Với việc top 10 CTCK giữ đến 70% thị phần cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, rõ ràng thị phần cho các đơn vị khác là khá hẹp. Đó là chưa kể, trước đây chỉ có khoảng 20 CTCK hoạt động tích cực thì nay con số này đã tăng lên 30 đơn vị nhờ vào việc bơm vốn của các tổ chức nước ngoài, hay các nhà đầu tư (NĐT) lớn. Khoảng cách về chất lượng giữa các CTCK là tương đối sít sao, dẫn đến việc trừ khi NĐT quá bức xúc hoặc có chương trình khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn thì mới đổi tài khoản sang nơi khác.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của phái sinh với sản phẩm đầu tiên là HĐTL đã chia lại thị phần mới cho các CTCK, nếu như SSI gần như bất khả xâm phạm ở vị trí dẫn đầu thị trường cơ sở (TTCS) thì ở thị phần TTPS, sự vượt lên từ VN Direct hay HSC và một số CTCK khác đã tạo nên sự sôi động. Tại thị trường mới như phái sinh, các CTCK tốp dưới cũng có thể san lấp được những yếu tố mang tính lịch sử. Chẳng hạn, NĐT có thể giao dịch chứng khoán cơ sở tại CTCK này, nhưng vẫn có thể “đánh” phái sinh ở CTCK với hai điều kiện: Thứ nhất, CTCK phái sinh có phí hấp dẫn, thậm chí miễn phí. Thứ hai, CTCK triển khai phái sinh có chất lượng tư vấn tốt để NĐT bảo toàn vốn hoặc tìm kiếm lợi nhuận cho mình.

Sẽ có nhiều “ông lớn”

Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc CTCK Yuanta Việt Nam nhận định: “Xét về tiềm năng phát triển, quy mô của TTPS hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa lớn, vì vậy chưa CTCK nào nghĩ đến chuyện “có lời” từ TTPS. Điều quan trọng ở đây là nhờ vào những sản phẩm như HĐTL hay CW, mà CTCK có thể tiếp cận với một nhóm khách hàng mới”.

Một tính toán khá đơn giản, xét về phí thu trên cùng một giá trị giao dịch, thì phí thu từ TTPS chỉ bằng 1/10 so phí thu từ TTCS. Điều này cũng đồng nghĩa dù cho thanh khoản của TTPS có tăng lên 10.000 tỷ đồng/phiên, tức là lớn gấp 3-4 lần so TTCS thì nguồn thu nhìn chung vẫn chưa thể đuổi kịp được nguồn thu từ chứng khoán cơ sở.

Liệt kê những con số này ra để thấy rằng, muốn “theo” phái sinh, các CTCK cần hội tụ đủ ba yếu tố: vốn, chiến lược dài hạn và nghiệp vụ, công nghệ. Cuộc đua phái sinh sẽ có 30 CTCK, tuy nhiên trong vòng một năm tới chắc chắn sẽ có sự phân hóa mạnh và bắt đầu lộ diện kẻ thắng, người thua.

Trước mắt, nếu khó có lợi nhuận, thì CTCK phải đủ vốn để tồn tại được trên cuộc đua về phí, giảm giá. Kế tiếp nữa, khi đã chiếm được một cơ số thị phần nhất định, CTCK phải có đủ lợi thế cạnh tranh để cho thấy sự vượt trội của mình và giữ chân khách hàng. Lúc này, có thể xuất hiện những CTCK có thế mạnh về tư vấn phái sinh, và chỉ mạnh riêng mảng này thay vì phân tán cho cả chứng khoán cơ sở. Như vậy, “top” 10 thị phần sắp tới có thể sẽ có sự khác biệt nhiều vì thị phần sẽ phải tính theo từng mảng, cơ sở, phái sinh, và thậm chí trong phái sinh cũng chia lại cho cả HĐTL hoặc CW.