“Nuôi” vị thế

Khi VN Index tiến vào vùng 1.020 - 1.030 điểm, đã có khá nhiều nhận định về khả năng điều chỉnh sẽ diễn ra cho đến khi chỉ số này quay lại vùng 1.000 điểm. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Câu hỏi đặt ra ở đây là khi nhiều dự báo đều cho là giảm, tại sao vẫn có người mua và đó là ai?

Ai đã mua cao?

Đầu tiên là những nhà đầu tư (NĐT) mua vào với kỳ vọng thị trường (TT) còn tăng cao hơn, và nhóm này chủ yếu đã lỡ những dịp mua ở đầu sóng nên phải vào hàng một cách gấp gáp. Nhưng nhóm NĐT này thường nhanh chóng chuyển sang “xả hàng” khi TT điều chỉnh. Cũng có người vì đã lãi cao do mua với giá thấp, có sẵn cổ phiếu (CP) trong tài khoản nên tranh thủ một số dịp để “lướt” trong phiên. Cũng cần bàn đến nhóm NĐT tuân thủ đúng chiến thuật, chỉ mua khi giá tăng, tức khi VN Index vượt kháng cự 1.000 điểm là mua vào. Chiến thuật này có tính phù hợp nhất định ở một số CP, nhưng cũng có khả năng gây ra thua lỗ nếu lựa chọn không đúng.

Nhưng điểm đáng bàn hơn là những NĐT “nuôi” vị thế khi VN Index vượt 1.000 điểm, ở đây chủ yếu là các NĐT tổ chức. Mặc dù NĐT nước ngoài bán ròng trong những phiên gần đây, nhưng giá trị mua của khối này vẫn được duy trì chứ không giảm, khác biệt ở chỗ lượng bán chốt lời tăng nhanh hơn mua. Nghĩa là các quỹ nước ngoài hoặc ở thế bắt buộc phải mua hoặc vẫn luôn duy trì kỳ vọng ở từng giai đoạn của TT, còn chuyện chốt lãi cũng rất bình thường vì mua thấp đến khi được giá thì bán. Phải mua là bởi khi TT sôi động, nếu quỹ đứng im (dù có lãi) rất dễ bị investor (người bỏ tiền vào quỹ) chất vấn. Hơn nữa, mỗi giai đoạn TT dậy sóng lại có một vài CP mang tính dẫn dắt. Nếu những CP này chưa có trong danh mục thì quỹ bắt buộc phải mua để mô phỏng TT, dù giá có cao cách mấy.

Quỹ mua nhiều hay nhiều quỹ mua?

Có một chi tiết khá thú vị ở đây là nhiều người vẫn nghĩ rằng, các quỹ có thể mua tại những thời điểm CP có giá cao thì không có lý gì họ bán sớm sau vài tuần, thậm chí vài ngày, vì họ thường có xu hướng giữ dài, nhưng thực tế lại khác. Đầu tiên là các quỹ ETF của nước ngoài hay trong nước vẫn có thể “lướt lát” trong khoảng thời gian rất ngắn và nếu lỗ cũng là bình thường. Cần nhớ, các quỹ ETF trong nước cũng đã “phình” ra với quy mô hàng nghìn tỷ đồng thì nhìn vào dòng tiền trong nước cũng đừng vội phán đoán rằng đó chỉ là tiền cá nhân.

Kế tiếp là suy nghĩ “quỹ mua nhiều” cần được chuyển thành “nhiều quỹ mua”, bởi lẽ trong danh mục của quỹ, lượng tiền mặt khó khi nào chiếm tỷ trọng cao, phần lớn đã phải giải ngân khi giá CP rẻ. Nếu quỹ để quá nhiều tiền mặt sẽ bị investor chất vấn. Vậy nên khi TT tăng mạnh, dẫu có muốn quỹ cũng không có nhiều tiền để mua. Giá trị mua tại những thời điểm này có tăng cũng là do đồng loạt nhiều quỹ giải ngân vì nhiều lý do khác nhau, như đã nói ở trên.

Nên xét riêng từng quỹ, số tiền mua vào tại vùng giá cao chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trên tổng tài sản, nên giả sử có “lỡ” thua lỗ thì họ cũng nhanh chóng bán ra cắt lỗ vì mức độ ảnh hưởng không đáng là bao.