Nhận diện cổ phiếu bị làm giá

Trong ít ngày qua, một loạt vụ việc liên quan hành vi thao túng giá cổ phiếu (CP) đã bị xử lý. Nhìn lại những vụ làm giá đó, có thể phần nào nhận thấy một số “quy luật” mà nhà đầu tư (NĐT) cần chú ý để suy tính, phòng tránh.

Quy luật thứ nhất liên quan ngành nghề của những CP có nguy cơ bị làm giá. Đó là những ngành… “khó hiểu”, chẳng hạn như: khoáng sản, dược, y tế… Những ngành này có tính đặc thù cao, chỉ những người làm trong ngành (vốn cũng không nhiều) mới hiểu. Thí dụ như các công ty khoáng sản hay khoe trữ lượng của các khu mỏ, nhưng điều đó ít ai kiểm chứng được. Trong khi một công ty thực phẩm công bố sản phẩm của mình có mặt ở các hệ thống phân phối nào thì NĐT có thể kiểm chứng rất dễ dàng.

Bà Trần Hương Mỹ, quản lý khối phân tích Công ty chứng khoán (CTCK) HSC cho biết, khoảng một thập kỷ trước, khi lập mô hình định giá cho CP Vinamilk (VNM), để khách quan, bà đã phải mất nhiều ngày đi khảo sát TT, từ siêu thị, đến chợ… Còn việc có thể định giá, hay quan sát được nhóm khoáng sản gần như ngoài tầm với vì những điều kiện khách quan. Đó cũng là lý do, khoáng sản được xem như nhóm CP “lầy” nhất trên sàn với một loạt những vi phạm cả trong nội bộ DN lẫn các hoạt động thao túng giá bên ngoài.

Quy luật thứ hai là quy mô của nhóm CP bị làm giá thường chỉ ở nhóm tầm trung (mid cap) hoặc nhỏ (penny). Nhưng ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3 của CTCK Phú Hưng cũng làm rõ thêm vấn đề: Nhóm CP có nguy cơ, hoặc đã bị làm giá đa phần đều xếp vào loại hàng “móc cống”, tức là nhóm CP vừa có giá thấp, chỉ tầm 5.000 đồng/CP đổ xuống, thậm chí có những vi phạm liên quan đến minh bạch, công bố thông tin. Đối với NĐT thông thường, cứ cho rằng nhóm này không có hoạt động làm giá thì cũng đã nên tránh xa, huống gì đây lại là món mồi béo bở của đầu cơ. Lý do thì cũng khá đơn giản, các hoạt động làm giá, mà thường chủ yếu là cá nhân thì khả năng khó có tiền lớn, vài chục tỷ đồng thì tất nhiên chỉ có thể làm giá CP có vốn hóa vài trăm tỷ đồng là hết mức.

Quy luật thứ ba liên quan thanh khoản, vốn dĩ là một yếu tố được tích lũy dài hạn, nên chuyện đột biến trong ngắn hạn tất yếu phải bị nghi ngờ. Thông thường, những CP bị làm giá hay có hiện tượng thanh khoản èo uột bỗng dưng tăng mạnh. Tất nhiên, không phải CP nào có hiện tượng này cũng đồng nghĩa với việc bị làm giá, vì có thể một tổ chức nào đó mua vào với khối lượng lớn thanh khoản cũng có sự đột biến, chuyện đó rất bình thường. Nhưng khi thấy thanh khoản đột biến, NĐT nói theo quy luật của thẩm định là “phải biết nghi ngờ”. Trong trường hợp nếu DN không phát ra tín hiệu gì về hoạt động tích cực, hoặc thông tin chỉ là tin đồn, hay công bố mập mờ thì nguy cơ làm giá sẽ hiển hiện.

Tất nhiên còn rất nhiều dấu hiệu khác để nhận biết CP làm giá. Nhìn chung, tất cả các NĐT đều được trang bị kiến thức để nhận diện, họ chỉ tạm “quên” khi muốn lãi nhanh với dòng CP làm giá mà thôi.