Ngược chiều dự báo

Việc cổ phiếu (CP) Việt Nam bất ngờ bị giảm tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier Markets Index đang là tín hiệu không mấy tích cực, phần nào ảnh hưởng tới dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Theo tin từ Morgan Stanley Capital International (MSCI) - Công ty chuyên cung cấp các công cụ phân tích danh mục và chỉ số CK, có trụ sở tại New York (Mỹ), sau đợt cơ cấu danh mục cuối tháng 11 vừa qua, tỷ trọng CP Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index đã giảm từ mức 18,77% xuống còn 16,96%. Ở chiều ngược lại, TT Kuwait lên tới 36,86%, tăng mạnh hơn 6% so tháng trước đó.

Các CP Việt Nam bị giảm tỷ trọng trong đợt cơ cấu danh mục tháng 11 của MSCI là điều khá bất ngờ với giới đầu tư, bởi tỷ trọng CP Việt Nam trong nhiều tháng gần đây liên tục gia tăng. Thậm chí, trong một báo cáo cách đây không lâu, MSCI còn ước tính tỷ trọng CP Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ lên tới 25,2% khi Kuwait được nâng hạng TT Emerging Markets vào năm 2020.

Trong danh sách 10 CP lớn nhất danh mục MSCI Frontier Markets Index hiện có ba CP Việt Nam, bao gồm: VIC (Vingroup) với tỷ lệ 3,69%, VHM (Vinhomes) với tỷ lệ 2,93% và VNM (Vinamilk) có tỷ lệ 2,82%.

Trước đó, hồi giữa năm 2019, các công ty CK ước tính TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được khoảng 66 triệu USD (1.500 tỷ đồng) từ MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index khi Argentina chính thức được nâng hạng lên TT mới nổi. Ngoài ra, con số 66 triệu USD đề cập ở trên mới chỉ tính đến các quỹ mô phỏng theo MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index, mà chưa tính đến các quỹ chủ động như MSCI Frontier Emerging Index hoặc S&P/BNP Mellon New Frontier Index và do đó lượng tiền phân bổ sang TTCK Việt Nam từ các quỹ đầu tư vào TT cận biên có thể lớn hơn nữa.

Do không phải quỹ ETFs nên việc tái cơ cấu danh mục của MSCI không nhất thiết phải theo đúng chuẩn của các chỉ số cơ sở, nhưng việc bất ngờ bị giảm tỷ trọng của MSCI cũng là tín hiệu không tích cực, phần nào ảnh hưởng tới dòng vốn nước ngoài vào TTCK Việt Nam.

Thực tế, TTCK Việt đang trải qua những phiên giao dịch lình xình khi chỉ số VN Index tăng ở mức nhẹ nhưng giảm thì khá mạnh. Đây là đợt điều chỉnh mạnh nhất của VN Index từ đầu năm mà chưa hề có nhịp phục hồi nào. Trước đó, trong đợt điều chỉnh từ đỉnh tháng 3 tới cuối tháng 6, VN Index giảm còn mạnh hơn (khoảng âm (-) 6,79%) nhưng TT vẫn liên tục xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn sau khi sụt giảm chưa tới 5%, chưa kể các phiên tăng - giảm đan xen đều diễn ra trong suốt xu thế giảm.

Một điểm sáng của TT trong thời gian qua là sau thời gian dài bán ròng tại cả ba sàn giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng nhẹ trong những phiên gần đây. Việc khối này mua ròng trở lại có thể giúp chỉ số VN Index bớt phải chịu sức ép, kết hợp cùng nhiều yếu tố khác kỳ vọng có thể chấm dứt xu hướng giảm.

Tuy nhiên, báo cáo dòng lưu chuyển vốn toàn cầu của CK SSI mới đây cho biết, với những diễn biến mới của dòng vốn toàn cầu trong thời gian gần đây, nếu không có biến động bất ngờ trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc thì dòng vốn nước ngoài, trong đó có ETF được hy vọng sẽ tích cực hơn, từ đó tạo sự nâng đỡ cho chỉ số trong thời gian cuối năm 2019, đầu năm 2020.