Muốn startup phải hiểu M&A

Theo thống kê của Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam (MAF Research) và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và M&A (CMAC), các lĩnh vực diễn ra hoạt động M&A sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam, bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics, giáo dục…

Và có một sự tương đồng ở đây là những startup (dự án khởi nghiệp) phổ biến nhất hiện nay cũng nằm trong lĩnh vực kể trên và điều này cũng buộc các nhà khởi nghiệp nếu muốn thành công, thì ngoài những hiểu biết về kinh doanh, cần trang bị cho mình tư duy về M&A. Nhớ lại những năm trước đây, tổng giá trị các thương vụ M&A trong vòng một năm (dưới 1 tỷ USD) có khi chỉ bằng giá trị của một thương vụ trong những năm gần đây. Khi đó, các nhận định được đưa ra là còn thiếu những dòng vốn lớn để tạo ra những thương vụ lớn, nhưng hiện tại có khi đã đảo chiều, nghĩa là dòng vốn lớn lại đang rất cần có những dự án lớn để giải ngân.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm đến các doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn. Trong khi đó, vốn điều lệ của phần lớn DN niêm yết tại Việt Nam mới ở mức 50 - 80 tỷ đồng (tương đương 2 - 4 triệu USD), vốn hóa khoảng 5 - 10 triệu USD. Nhiều DN nhỏ hơn và có sức cạnh tranh yếu, nên cũng không phải là đối tượng được quan tâm của các nhà đầu tư. Tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể gần 7,6 tỷ USD. Như vậy, cùng với thị trường chứng khoán, sự phát triển của các startup cũng chính là kênh dẫn vốn M&A cực kỳ quan trọng.

Theo báo cáo của Topica Founder Institute (TFI) năm 2018, lượng vốn đầu tư mà các startup Việt Nam thu hút được trong năm 2018 tăng gấp ba lần so năm 2017. Cụ thể, 92 thương vụ đầu tư với tổng số vốn là 889 triệu USD đã diễn ra trong năm qua. Riêng 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận. Năm lĩnh vực startup thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là fintech, e-commerce (thương mại điện tử), traveltech (khởi nghiệp lĩnh vực du lịch trên nền tảng công nghệ), logistics và edtech (khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục trên nền tảng công nghệ). Trong đó, fintech quay lại vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong năm 2018 với tám thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD. E-commerce đứng vị trí thứ hai khi chỉ có năm thương vụ diễn ra, so 21 thương vụ vào năm 2017. Tổng giá trị đầu tư năm 2018 lĩnh vực này là 104 triệu USD.

Tại diễn đàn M&A “Thay đổi để bứt phá”, một số chuyên gia đã nhận định rằng, những hạn chế về tư duy, hiểu biết hoặc những sai lầm trong chiến lược đã tạo ra hệ lụy là nhiều startup sau khi gọi vốn qua hình thức M&A hoặc bị thâu tóm, hoặc giữa founder (nhà sáng lập) và các nhà đầu tư không hợp nhau dẫn đến không thể hợp tác và thất bại.

Nên nhớ rằng, sự khác biệt giữa một startup chưa lớn, hoặc sắp lớn, với những startup đang trong giai đoạn “trưởng thành”, đó chính là tư duy về M&A. Startup muốn lớn, thường phải cần rót vốn, nhưng nếu founder không thể bơm vốn thì phải huy động vốn bên ngoài.