Một kiểu nói tránh

Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh (KHKD) sau ba quý vốn không lạ với nhiều nhà đầu tư (NĐT). Nó thường được xem như hình thức “chạy” thành tích của doanh nghiệp (DN). Nhưng điều đáng nói ở đây là không có nhiều sự chỉ trích từ phía NĐT và dường như các DN cũng “quen tay” làm tới.

Thông tin bất thường

Chỉ trong thời gian ngắn, một loạt DN đủ mọi ngành nghề từ bất động sản (Fideco), thủy sản (Minh Phú) cho đến dược (Traphaco), chứng khoán (IB)… công bố lấy ý kiến cổ đông (CĐ) về việc thay đổi KHKD theo hướng điều chỉnh giảm. Điều này đồng nghĩa DN không thể hoàn thành KHKD như mục tiêu đưa ra tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) hồi đầu năm.

Ở đây, cần đặt câu hỏi về sự phù hợp trong cách thức công bố thông tin. Bởi lẽ, không hoàn thành KHKD là một vấn đề hệ trọng và một số NĐT cho rằng, DN cần phải rạch ròi bằng việc công bố thông tin bất thường chứ không thể sử dụng cách thức nói tránh như vậy.

Nhưng có một điều chắc chắn là nếu DN công bố thông tin về việc không hoàn thành kế hoạch bằng một văn bản riêng và trực diện, nhiều khả năng sẽ gây ra những hiệu ứng tiêu cực. Nói giảm, nói tránh có thể tốt trong ngắn hạn nhưng thật ra cũng không làm giảm đi những vấn đề trong trung và dài hạn, đó là điều chắc chắn. Giải pháp ở đây có thể là DN khi công bố điều chỉnh, cần kèm theo những giải trình cụ thể, nguyên nhân, mục đích của động thái này thay vì chỉ công bố chung chung rồi xong. Nhưng tính đến thời điểm này, rất hiếm DN đủ dũng khí công bố chi tiết, thay vào đó có khi còn tự hào vì động thái này cho thấy sự “nhanh nhạy” của những nhà quản lý.

Có “tự bơm” hình ảnh?

Theo các tiêu chuẩn của kiểm toán thì một sự chênh lệch chỉ cần hơn 5% cũng có thể được xem là “trọng yếu”. Nhìn vào mức độ điều chỉnh kế hoạch của một số DN sẽ thấy mức độ giảm lớn gấp nhiều lần 5% và như vậy thì không thể đổ thừa tại yếu tố khách quan. Cần phải đặt câu hỏi về năng lực dự báo, khả năng lên kế hoạch. Trong thực tế, ngay tại thời điểm này, nhiều DN đã lục tục chuẩn bị cho kế hoạch năm 2020, nâng lên, hạ xuống, bàn bạc đến cuối quý I, đầu quý II của năm sau mới đệ trình tại đại hội cổ đông, nghĩa là có rất nhiều tháng để chuẩn bị kế hoạch. Khoảng thời gian dài như vậy thì rất khó chấp nhận sai sót.

Một câu hỏi lớn cần đặt ra ở đây là có chăng việc DN đã sớm nhận biết được khả năng không hoàn thành KHKD, hoặc đưa ra một KHKD “khống” để “tự bơm” hình ảnh, giá trị của mình lên cao hay không?

Đây là điều rất khó để kiểm chứng, bởi tất cả đều ở thì tương lai, nhưng đã đến lúc cần có những biện pháp kiểm soát và những hàng rào từ chính nội bộ DN hay các CĐ phải lên tiếng. Chẳng hạn, cần tạo ra những tiền lệ như lãnh đạo DN đưa ra KHKD thiếu khả thi, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi làm việc, hay thậm chí cả vị trí của mình. Các DN vẫn khá khôn khéo khi lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh KHKD thay vì triệu tập trực tiếp ĐHCĐ. Với cách thức lấy ý kiến qua văn bản, tiếng nói của CĐ sẽ khó phản ánh đầy đủ.

Nên chăng có thêm những điều lệ về việc điều chỉnh KHKD phải triệu tập ĐHCĐ bất thường và lãnh đạo DN phải có giải trình chi tiết, trực tiếp cho các CĐ?

Tránh kiểu DN làm mãi rồi quen!