Mở thêm nhiều sàn chứng khoán để làm gì?

Tưởng như việc áp dụng giao dịch trực tuyến sẽ khiến công ty chứng khoán (CTCK) giảm thiểu số lượng các chi nhánh hay phòng giao dịch (PGD), nhưng ngược lại, số lượng các sàn chứng khoán đang dần nhiều trở lại.

Chủ động phục vụ

Tuần rồi, CTCK SSI đã khai trương PGD thứ 13 của mình tại khu vực quận 3, TP Hồ Chí Minh. Chắc chắn số lượng PGD của SSI chưa dừng lại ở con số này vì hiện cũng đã có một PGD đang được đưa vào vận hành thử nghiệm và khi ổn định sẽ được chính thức khai trương.

Hai năm gần đây, dòng vốn nước ngoài đổ vào các CTCK cũng gia tăng. Các nhà đầu tư (NĐT) vốn rất ưa chuộng việc mở ra mạng lưới, nên không chỉ có SSI mà các CTCK có vốn nước ngoài cũng sẽ có xu hướng mở rộng mạng lưới các PGD. Nói đến đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi vì sao giao dịch trực tuyến đã phát triển, CTCK rót tiền ngày một nhiều hơn cho công nghệ, thậm chí NĐT ngồi ở nhà cũng có thể mở tài khoản giao dịch, mà CTCK lại mở thêm sàn để làm gì?

Ông Việt Vũ, một NĐT “VIP” tại các sàn chứng khoán lớn, chia sẻ, PGD tạo ra cảm giác về sự hiện diện của CTCK một cách thuyết phục, chẳng hạn NĐT ở quận nào thì CTCK có sàn ở quận đó sẽ thấy gần gũi, dù ít khi đến sàn.

Còn ông Tuân Lê, một người đã làm việc nhiều năm trong ngành tài chính, thì cho rằng, các CTCK ngày một đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng để giữ chân họ, nếu nhân sự chỉ tập trung tại hội sở thì không dễ để nắm bắt được nhu cầu và phục vụ kịp thời, nên cũng cần tỏa ra nhiều vị trí. Điều này khác hẳn trước đây, các CTCK mở nhiều sàn, nhưng NĐT thì phải đi đến sàn, còn hiện nay các PGD có sự tương tác, gắn kết chặt chẽ hơn với khách hàng.

Lớn hơn nhiều người nghĩ

Hiện nay, tùy theo quy mô hay quan điểm của từng CTCK, có nơi mở PGD, có nơi chi nhánh nhưng không thể dựa vào cái tên để đánh giá quy mô, vì thực tế mở một sàn mới, các CTCK thường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, rất “cơm gạo” chứ không phải mở để lấy tiếng như trước. Nếu như các hệ thống bán lẻ điện thoại, điện máy có bộ tiêu chí đo lường về mật độ dân số, lưu lượng khách hàng, xe cộ qua lại, thu nhập từng khu vực… để quyết định mở cửa hàng (shop) thì các CTCK mở sàn giao dịch hiện nay cũng có bộ chỉ tiêu tương tự. Mặc dù có nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng cũng có vài quy chuẩn chung và tối thiểu. Chẳng hạn, mỗi PGD hay chi nhánh của CTCK khi mở ra phải có thị phần tối thiểu 1%, với các CTCK lớn thì phải hơn con số này.

Nghĩa là để một sàn sống được thì phải ít nhất 1%, nhưng cũng từ tiêu chí này mà xuất hiện nhiều sự thay đổi. Chẳng hạn, với những chi nhánh lớn của CTCK lớn trước đây lên đến vài % thị phần thì hiện đang có xu hướng “tách phòng”. Theo đó, một trưởng nhóm, hoặc trưởng phòng môi giới có thể “ra riêng” để lập một PGD và mình trở thành Trưởng phòng hoặc Giám đốc chi nhánh. Đây cũng là cách thức để CTCK tạo cơ hội thăng tiến cho một số nhân sự, nếu làm tốt họ sẽ còn được cất nhắc ở các vị trí cao hơn. Cũng nhờ có các PGD như vậy mà CTCK dễ đánh giá chất lượng nhân sự theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trước đây, xu hướng thị phần hay khách hàng lớn thường nằm ở hội sở hoặc các PGD lớn, nhưng nay với cách thức lập PGD theo kiểu bán lẻ, các CTCK đã phân bổ lại cơ cấu theo hướng phù hợp và linh hoạt hơn.