Minh bạch & chuyên nghiệp

Không chỉ là vấn đề lãi suất cao, mà một số yếu tố khác đang tiềm ẩn những bất ổn trên thị trường trái phiếu (TTTP) doanh nghiệp (DN), đó là góc nhìn đồng nhất của cả thành viên TT lẫn nhà quản lý.

Sự thay đổi lớn nhất trong bức tranh TTTP DN năm 2019, theo một chuyên gia ở Hiệp hội TTTP Việt Nam (VBMA), là lần đầu trong lịch sử phát triển TTTP Việt Nam, tổng giá trị vốn huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vượt giá trị huy động vốn trái phiếu Chính phủ (TTCP). Trên HNX, trong 11 tháng năm 2019, lượng vốn huy động qua TPDN đã vượt tổng lượng vốn huy động qua TPCP năm 2019. Cụ thể, 189 DN đã thực hiện 726 đợt phát hành TPDN trong 11 tháng, qua đó huy động được 233.522,2 tỷ đồng, trong khi cả năm 2019, Kho bạc Nhà nước huy động được 215.267 tỷ đồng TPCP thông qua hình thức đấu thầu tại HNX.

Trong năm qua, không ít DN sẵn sàng trả lãi suất cao để gọi được vốn qua TPDN đã làm dấy lên những quan ngại về rủi ro trên TTTP. Một số chuyên gia cũng như thành viên TT cho biết, luật chơi trên TT vốn là DN có định mức tín nhiệm cao thì đương nhiên chi phí đi vay vốn thấp. Ngược lại, DN có định mức tín nhiệm thấp thì phải trả chi phí cao để huy động được vốn.

Vấn đề đáng báo động trên TTTP Việt Nam hiện nay là vừa thiếu các công cụ, vừa thiếu thông tin giúp nhà đầu tư (NĐT) cũng như các bên liên quan “đọc” được rủi ro hoạt động của DN, cũng như TPDN họ phát hành, bất kể với lãi suất cao hay thấp.

Thực tế, hiện Việt Nam chưa có công ty định mức tín nhiệm, nên lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ quan ngại về tình trạng TPDN phát hành ra TT không được định mức tín nhiệm. Điều này vừa khiến NĐT muốn đầu tư vào TPDN phải mất thời gian lẫn chi phí tự đánh giá mức độ rủi ro, vừa khiến tính minh bạch về thông tin TT chậm được cải thiện.

Một rủi ro phát sinh từ tính minh bạch của TT thấp là trái ngược sự sôi động trên TT sơ cấp, giao dịch trên TT thứ cấp gần như “đóng băng”. NĐT mua trên TT sơ cấp xong hiện đa phần nắm giữ đến ngày trái phiếu đáo hạn. Tính minh bạch của TT kém, nên NĐT e ngại giao dịch trên TT thứ cấp. Không chỉ NĐT trên TT thứ cấp còn hạn chế, nhà phát hành trên TT sơ cấp khá đơn điệu cũng khiến TT khó phát triển lành mạnh, bền vững.

Theo tính toán của một chuyên gia ở VBMA, 50% giá trị TPDN phát hành do khối ngân hàng thương mại nắm giữ, khoảng 29% là các DN bất động sản, phần còn lại là các DN khác. Việc ngân hàng, DN bất động sản nắm giữ lượng lớn TPDN tiềm ẩn rủi ro cho TT nếu nhóm DN này gặp khó khăn về thanh khoản.

Để khắc phục những bất cập trên, qua đó cải thiện chất lượng phát triển của TTTP DN, nhiều ý kiến cho rằng, điểm mấu chốt là phải nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp cho TT theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán VNDirect, sau khi có sự tăng trưởng nhanh về lượng cần có dịch chuyển mạnh phát triển về chất. Cụ thể, thứ nhất thúc đẩy hoạt động của công ty định mức tín nhiệm. Thứ hai, khẩn trương đưa Trung tâm thông tin TPDN tập trung do HNX làm đầu mối xây dựng vào hoạt động. Hy vọng hai điểm mấu chốt này sẽ được triển khai tích cực ngay trong năm nay.