Miễn phí là chưa đủ

Cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán (CTCK) có thể được phân tách dưới nhiều góc độ, nhưng thời gian gần đây yếu tố phí giao dịch được đặt lên hàng đầu. Theo đó, nhóm CTCK miễn phí, với phần lớn đến từ Hàn Quốc, được coi là “thế lực đáng gờm” đối với những CTCK như: SSI, VN Direct…

Thử đánh giá tương quan của hai nhóm sẽ nhận thấy một số đặc điểm nổi bật sau đây. Nhóm CTCK chủ động miễn phí thường là những tên tuổi mới, vốn lớn, nhưng lại chưa có thị phần. Nhóm CTCK lớn trong nước thì có cả tiếng, tiềm lực, và cơ số khách hàng mạnh.

Nhìn qua sẽ thấy, nhóm miễn phí rõ ràng chưa có cửa so đọ nhóm CTCK lớn dù có miễn phí trong khi nhóm “đại gia” chả cần phải miễn phí vẫn giữ được khách hàng, vì nhu cầu của nhà đầu tư khi giao dịch không chỉ có phí. Nói như vậy không có nghĩa là nhóm miễn phí tuyệt vọng còn nhóm có phí có thể kê cao gối ngủ. Mục tiêu cạnh tranh của nhóm miễn phí sẽ nằm ở các CTCK ngoài tốp 10. So đọ về thực lực thì nhóm miễn phí sẽ không thua gì nhóm CTCK ngoài top 10 cả. Và cũng nhờ lấy miễn phí làm lợi thế nên dần dần có thể “rút tỉa” được khách từ đối thủ sang. Tất nhiên, các CTCK kia cũng phải tìm cách để mình không bị mất khách. Đây chính là điểm quyết định, nhưng cũng có thể là điểm nghẽn cho các bước đi của nhóm miễn phí.

Việc miễn phí là chưa đủ, đi kèm theo đó, các CTCK phải chứng tỏ được năng lực hoạt động ít nhất là ngang bằng hoặc vượt trội. Như vậy, các CTCK này sẽ phải tốn rất nhiều chi phí trong việc tuyển dụng nhân sự, đầu tư cho hệ thống, công nghệ để tạo ra niềm tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình. Thật ra, vẫn có một nhóm khách hàng không cần quan tâm nhiều đến các yếu tố chiều sâu vừa kể trên, nhưng nhóm này có mức độ dịch chuyển rất nhanh, CTC nào miễn phí thì đến, giao dịch liên tục, rồi lại đi, thay vì gắn bó, mà đây lại là điều không CTC nào mong muốn, thậm chí phục vụ nhóm này vừa tốn kém, nhưng chỉ có hiệu quả ngắn hạn.

Và thành thực mà nói, cho đến giờ vẫn chưa có CTCK nào dám mạnh miệng tuyên bố rằng “miễn phí” nhưng chất lượng dịch vụ đạt ở mức cao mà chỉ mang tính chất thăm dò, đánh tỉa. Theo cách thức này, cuộc cạnh tranh sẽ dai dẳng và thậm chí còn tạo ra tác dụng ngược theo kiểu lợi bất cập hại. Đơn cử, CTCK miễn phí, tốn công lôi kéo khách hàng về giao dịch sau một thời gian. Nhưng đến khi chỉ cần một số môi giới của CTCK này chuyển sang đơn vị khác làm việc, kéo luôn cả nhóm khách hàng “ruột” đi luôn thì CTCK cũng xôi hỏng bỏng không.

Vì vậy, cuộc chiến miễn phí mà một số CTCK khởi xướng, có thể là một trào lưu, nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, cho một nhóm khách hàng, một nhóm CTCK. Chừng nào, các CTCK tầm trung hoặc nhỏ, ngoài top 10 phổ biến được vấn đề miễn phí thì lúc đó các CTCK trong 10, top 5 mới bắt đầu cảm nhận, lo lắng về sức ép cạnh tranh.

Dù vậy, cuộc đua về vấn đề miễn phí, nếu muốn tạo ra ảnh hưởng, cũng cần ít nhất từ ba năm trở lên để tạo ra một cán cân mới, nhưng nếu làm không khéo, cuộc đua này cũng có thể chết yểu. Bởi lẽ, CTCK từ đầu chọn miễn phí, nhưng sau một thời gian không kham nổi chi phí, quay về việc thu phí trở lại thì rất dễ đón nhận phản ứng tiêu cực của khách hàng.