M&A - Từ lạ thành quen

Ngày 24-11 vừa qua, Diễn đàn mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam lần thứ 12 do Báo Đầu tư và Công ty AVM VN tổ chức với sự tham gia của 16 diễn giả và 500 lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tập trung vào chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nhờ những thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao. Cả thế giới đã biết đến Việt Nam như một sự tin cậy chiến lược, một điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Bằng chứng là, trong 10 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn đạt 23,48 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so cùng kỳ năm 2019. Tương tự, trong hoạt động M&A, giá trị M&A năm 2020 tuy có suy giảm, nhưng vẫn có nhiều thương vụ đáng chú ý, tạo nền tảng cho sự bứt phá mạnh hơn trong giai đoạn 2021 - 2022. Dự báo, sau Covid-19, hoạt động M&A doanh nghiệp (DN) sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. 

Còn nhớ hơn một thập kỷ trước, M&A là điều gì đó rất mới mẻ, lạ lẫm trên thị trường (TT) chứng khoán, thậm chí sau đó còn là yếu tố “tạo sóng” theo kiểu cứ DN nào có “dính” đến yếu tố M&A, tức là bên đi mua, hay bên bị mua thì cổ phiếu nhiều khả năng nổi sóng bất chấp thương vụ đó tích cực hay tiêu cực. Nhưng giờ đây, M&A đã trở thành một nghiệp vụ quen thuộc của DN trên sàn trong chiến lược phát triển các hoạt động và NĐT cũng thừa tỉnh táo để có những cách nhìn thấu đáo và thận trọng. 

Cũng chính nhờ vậy, mà rất nhiều chuyên gia đã nhận định, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để đón sóng M&A thời kỳ “hậu Covid-19” bởi hai yếu tố. Thứ nhất, những năm qua đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của những DN Việt Nam sử dụng M&A một cách “điêu luyện” như: Masan, Vinamilk… Đây chính là điểm sáng, bởi lẽ những DN này đã là đối trọng thật sự với các tổ chức tài chính, DN nước ngoài trong TT M&A. Cán cân nội - ngoại sẽ trở nên cân bằng hơn trong những năm sắp tới khi sẽ còn nhiều DN lớn trên sàn cũng sử dụng M&A để nâng cao nguồn lực cho mình.

Thứ hai, những thương vụ từ các tổ chức nước ngoài sở hữu cổ phần với tỷ lệ lớn tại các DN trong nước cũng hài hòa về mặt lợi ích và thậm chí phía bên bán còn chủ động hơn. Đơn cử như thương vụ Bảo Việt (BVH) phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) được diễn đàn M&A Việt Nam bình chọn là thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu Việt Nam năm 2019 - 2020. Sumitomo Life đã đầu tư 4.012 tỷ đồng, tương đương 173 triệu USD, để mua thêm 41.436.330 cổ phần BVH, tương đương 5,91% vốn điều lệ, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt lên 22,09%. 

Với số tiền thu được từ thương vụ phát hành riêng lẻ lần này, Bảo Việt dự kiến sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông. Và ở chiều ngược lại, Sumitomo Life thông qua M&A đã có thể tham gia TT bảo hiểm Việt Nam một cách sâu rộng hơn. Cũng nên biết rằng, bảo hiểm trong rất nhiều năm qua vẫn luôn là ngành hấp dẫn cho M&A, nhưng hiện nay, không chỉ có bảo hiểm, mà còn cả bán lẻ, dược phẩm, thực phẩm, tiêu dùng…

Và đây cũng chính là cơ sở để kỳ vọng TT M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.