Lịch sử khó lặp lại

Tuần vừa qua, tình hình dịch bệnh bùng phát căng thẳng ở một số địa phương, nhưng đó cũng là một tuần tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán (TTCK). Chỉ số VN Index tăng đột biến 5,4%, không khác gì tuần đầu tháng 5 vừa qua khi chỉ số cũng tăng tới 5,8%.

Với rất nhiều nhà đầu tư (NĐT), vẫn còn đó một tháng 5 đầy ấn tượng. Sau tuần mở màn của tháng tăng bùng nổ, TT tiếp tục tăng mạnh sau đó, VN Index đi cao thêm 10,6% nữa trong 24 phiên rồi mới đạt đỉnh. Do đó, nếu NĐT lúc này cũng kỳ vọng vào một con sóng lớn phía trước thì cũng là điều bình thường. 

Theo nhiều chuyên gia, có một sự tương đồng rất bất ngờ giữa các cổ phiếu (CP) trụ cột dẫn dắt VN Index trong tuần qua so tuần bùng nổ đầu tháng 5. Đó là các gương mặt rất cũ như: VCB, VNM, SAB và GAS. Đây là bốn trong mười CP vốn hóa lớn nhất trong chỉ số này. Tuần qua, VCB tăng 8,51% thì tuần đầu tháng 5 tăng 8,1%; VNM tăng 7,94% thì tuần đầu tháng 5 tăng 6,1%; SAB tăng 9,52% thì trước đó tăng 5,5%; GAS tăng 7,18% thì trước đó tăng 9,8%. Tuần qua bốn CP này giúp VN Index có được gần 17 điểm trong tổng số 43,07 điểm, thì tuần đầu tháng 5 cũng bốn CP này đóng góp hơn 14 điểm trong tổng số 44,62 điểm. 

Tuy vậy, nếu xét về bối cảnh cũng như thời điểm, việc kỳ vọng một “tháng 5” được lặp lại trong tháng 8 là khá khó, khi chỉ nhìn riêng với các CP trụ lớn nhất TTCK. Yếu tố đầu tiên là mặt bằng giá. Chẳng hạn ở VHM, mức giá cuối tuần qua đã cao hơn giá đầu tháng 5 khoảng 12,3%, thậm chí là đang ở gần tương đương giá đỉnh của sóng hồi “hậu Covid”. 

Mặt bằng giá đã ở tầm cao hơn, về lý thuyết là giảm sức hấp dẫn hơn. Tháng 5 cũng là thời điểm NĐT hướng nhiều tới tương lai với kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc và kết quả kinh doanh quý II sẽ xuất hiện sự cải thiện đáng kể so quý I. Hiện tại kết quả kinh doanh quý II đã kết thúc. Trừ phi NĐT lại nhìn sang quý III với kỳ vọng tương tự. Điểm khác biệt là dịch bệnh bùng phát lần thứ hai đang gây nhiều trở ngại hơn, vì rất có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 8, thậm chí là sang tháng 9 hoặc có thể lâu hơn nữa.

Mặt khác, về thanh khoản. Tất cả các CP nói trên đều có tuần đầu tháng 5 thu hút dòng tiền cực mạnh. Tính chung cả nhóm VN30, tuần đầu tháng 5 giá trị khớp lệnh đạt 11.320 tỷ đồng thì tuần qua chỉ đạt 8.713 tỷ đồng, tức là đã thấp hơn khoảng 23%. Có thể thấy mặt bằng giá cao hơn nên kể cả khi khối lượng giao dịch tương đương giữa hai thời kỳ thì giá trị vẫn lớn hơn, nhưng ở đây ngược lại, thể hiện sự giảm sút trong giao dịch rất rõ.

Mặc dù NĐT có thể nhìn thấy khá rõ sự tương đồng giữa tuần khởi động tháng 5 với tuần khởi động tháng 8 về cường độ tăng của chỉ số, nhưng thật sự sức mạnh là không giống nhau. Về mặt cảm tính, có thể nhìn thấy sự hồ hởi trong giao dịch hằng ngày, nhưng năng lực “xuống tiền” lại khác nhau. Có nhiều lý do để lý giải sự khác nhau này trong quyết định giao dịch như hết thông tin hỗ trợ, mặt bằng giá cao hơn... nhưng kể cả khi bỏ qua các lý do đó thì cuối cùng dòng tiền mới là yếu tố quyết định thể hiện ra.

Về mặt kỹ thuật, kỳ vọng này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng việc ngồi “đếm sóng” không phải lúc nào cũng giống sách vở. Hiện tại với kịch bản lạc quan nhất TT đã tạo đáy điều chỉnh ở 780 điểm. Tuy nhiên, có ít nhất hai biến số có khả năng dẫn đến thay đổi ở kịch bản này. Thứ nhất, dịch bệnh diễn biến xấu hơn, điều không thể nào dự đoán chính xác được. Thứ hai, TTCK toàn cầu kết thúc sóng tăng khi tiến tới đỉnh cao lịch sử trước dịch bệnh và quay đầu điều chỉnh. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng mạnh lên tâm lý và mức độ lạc quan của NĐT trong nước.