Làn sóng chuyển sàn

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) trên UPCoM hay HNX đã và đang tạo nên làn sóng chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE. Tuy nhiên, đến với “sân chơi” lớn, DN cần chuẩn bị kỹ càng từ quy mô giá trị đến việc sẵn sàng đối mặt những thách thức, khó khăn lớn hơn.

Trong nỗ lực nâng tầm vị thế của DN, dù đã lên kế hoạch chuyển sàn từ vài năm trước nhưng phải tới cuối tháng 10-2020, khi mọi điều kiện từ nội tại DN đến thị trường chứng khoán (TTCK) chung chín muồi, Công ty CP Dược phẩm Bến Tre mới chính thức chuyển sang niêm yết trên HoSE.

Cũng trong tháng 10 vừa qua, HoSE đã nhận được hồ sơ của năm DN xin niêm yết cổ phiếu (CP). Đó là các mã CP: VIX; ADG; ACB; MSB và OCB. Trong đó, có ba DN xin chuyển sàn (VIX và ACB đang ở HNX và ADG đang giao dịch trên UPCoM); hai mã niêm yết mới là: MSB và OCB. Trước đó, HoSE cũng nhận được hồ sơ của hai DN lớn đang niêm yết CP trên HNX xin chuyển sàn là VCG và SHB.

Trong làn sóng chuyển sàn niêm yết, thu hút sự chú ý lớn nhất TT là nhóm NH. Mới đây nhất, mã LPB của LienVietPostBank cũng đã chính thức niêm yết trên sàn HoSE và đang là NH đầu tiên niêm yết trên HoSE trong năm 2020. Sau LPB, mã VIB cũng chuẩn bị chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HoSE. Hai “ông lớn” của sàn HNX là SHB và ACB cũng dự kiến cuối năm nay, hoặc muộn nhất là đầu năm 2021 sẽ chính thức niêm yết CP trên sàn mới.

Thực tế, nhiều DN ngay từ đầu đã muốn niêm yết trên HoSE nhưng vì chưa đủ tiêu chí nên chọn phương án niêm yết trên HNX để làm quen với các quy định công bố thông tin của DN đại chúng, khi đủ các điều kiện sẽ thực hiện chuyển sàn.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia phân tích CK, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty CK VCB nhận định, làn sóng chuyển sàn của những DN lớn trên HNX hay UPCoM sang HoSE đã góp phần giúp cho TTCK trở nên sôi động, tăng tính thanh khoản, đồng thời giúp đánh giá lại giá trị CP. Với diễn biến thuận lợi của TTCK, nhiều mã CP được định giá cao hơn so nền giá cũ. Phần lớn CP của các DN có kế hoạch chuyển sàn trong thời gian qua đều có diễn biến tích cực về giá và thanh khoản. Thậm chí, có những CP tăng trần liên tục trong ba đến năm phiên liền như: SHB, ACB… 

Nhưng chắc hẳn đó không phải là lý do, hoặc chí ít không phải lý do duy nhất cho các cuộc chuyển sàn sang HoSE. Bởi với các quy định hiện hành, để được niêm yết trên HoSE, DN phải vượt qua những điều kiện ở tầm cao hơn, đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn. Đặc biệt, HoSE có tiêu chuẩn niêm yết cao hơn về việc công bố thông tin. Theo đó, DN phải công khai mọi khoản nợ đối với công ty của người nội bộ, cổ đông lớn và những người có liên quan… 

Thực tế, với yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, sàn HoSE là nơi thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài. Thanh khoản tốt hơn, CP được định giá vì thế cũng sát hơn và các DN cũng thuận lợi hơn trong các kế hoạch huy động vốn mới để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đó là lý do chính mà sàn HoSE được xem là đích đến của nhiều DN trên UPCoM và HNX.