Lãi giả, lỗ thật

Năm 2019 sắp qua đi, cũng là thời điểm các doanh nghiệp (DN) niêm yết chuẩn bị lập báo cáo tài chính (BCTC) năm. Một vấn đề lo ngại được đặt ra là câu chuyện “làm đẹp” sổ sách, báo cáo từ lãi thành lỗ tiếp tục tái diễn, trong khi khoảng thời gian từ BCTC tự lập đến kiểm toán đủ khiến các nhà đầu tư “sập bẫy”.

Thực tế, ở các thị trường chứng khoán (TTCK) mới nổi, gian lận BCTC của các DN niêm yết, các công ty đại chúng là phổ biến, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Với các DN lớn, những kỹ thuật gian lận và quản trị lợi nhuận tinh vi được sử dụng như là công cụ để tác động đến nhận thức và hành vi của người sử dụng BCTC. Thông thường, nhìn vào BCTC, các nhà đầu tư (NĐT) có thể biết được “tình trạng” của DN để đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, sau khi BCTC kiểm toán được công bố, tình trạng chênh lệch kết quả kinh doanh của các DN vẫn luôn hiện hữu. Việc chênh lệch đó, dù là vì lý do gì, vẫn sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của NĐT cũng như việc thu hút dòng vốn vào TTCK.

Thí dụ, trước kỳ BCTC soát xét bán niên vừa qua, Công ty CP Thủy sản An Giang (mã AGF) đã công bố BCTC tự lập vào cuối tháng 4-2019 (niên độ tài chính của DN bắt đầu từ 1-10-2018). Trong khi doanh thu thuần vẫn ở mức 445 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so cùng kỳ thì giá vốn, chi phí tài chính và bán hàng đều tăng thêm vài tỷ đồng. Khoản mục chi phí quản lý DN cũng tăng từ 8 tỷ đồng lên… 122 tỷ đồng do trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Các thay đổi này khiến lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi 1,7 tỷ đồng thành lỗ hơn 120 tỷ đồng. Lũy kế lỗ chưa phân phối tính đến cuối kỳ vượt 390 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Hùng Vương (mã: HVG) tại kỳ BCTC hợp nhất bán niên năm 2019 cũng ghi nhận lỗ lên tới 134 tỷ đồng, trong khi trước soát xét vẫn báo lãi 28 tỷ đồng. Lũy kế cả năm tài chính 2018 – 2019, công ty lỗ 496,5 tỷ đồng trong khi năm trước vẫn có lãi 16,22 tỷ đồng. Tính chung, mức lỗ lũy kế của công ty đến hết ngày 30-9-2019 lên gần 892 tỷ đồng…

Thực tế, các hành vi thao túng BCTC là điều mà các cơ quan chức năng, các thành viên TTCK đều nhận thức được nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Hành vi này của các lãnh đạo DN không chỉ nhằm mục đích “làm giá” CP, thoát hàng trên TT, gây mất hình ảnh DN mà còn khiến giá CP tụt dốc thảm hại.

Minh chứng là việc có nhiều điểm không minh bạch trên BCTC đã khiến AGF “cắm đầu” lao dốc, từng đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE. Hiện, công ty đang thuộc trường hợp CK bị kiểm soát đặc biệt từ 2-8-2019 do đã chậm công bố BCTC kiểm toán trong hai năm liên tiếp.

Trong vòng một năm qua, tình trạng DN thao túng BCTC có phần bớt “nóng”, nhờ chất lượng quản trị DN được cải thiện, khả năng giám sát của TT tốt hơn nhưng thực trạng “làm đẹp” sổ sách vẫn đáng quan ngại. Việc phát hiện gian lận BCTC luôn là thách thức lớn đối với bất kỳ chuyên gia nào trong lĩnh vực phân tích tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán. Do vậy, khi còn “tranh tối, tranh sáng”, các NĐT trước khi giải ngân cần trang bị kỹ năng phân tích và đọc BCTC.