Kỳ vọng những câu chuyện dài

Dù là riêng mỗi cổ phiếu (CP) hay thị trường chứng khoán (TTCK) chung cũng đều cần những câu chuyện để tạo sự kỳ vọng, niềm tin cho các nhà đầu tư (NĐT). Diễn biến TTCK quốc tế, hoạt động thoái vốn Nhà nước, mặt bằng giá CP rẻ… đã và đang là những câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trên TTCK Việt Nam.

Hồi giữa tháng 8, tại Diễn đàn mua bán, sáp nhập (M&A) do báo Đầu tư tổ chức, chủ trương tiếp tục thoái vốn tại một số ngân hàng (NH) mà Nhà nước vẫn giữ cổ phần được công bố, ngay sau đó là diễn biến rất tích cực cho nhóm CP này. Sự tích cực của: BID, CTG hay VCB luôn là nguồn cơn để lan tỏa cho nhóm CPNH còn lại như: HDB, MBB, ACB… Tất nhiên, hoạt động thoái vốn của Nhà nước không chỉ diễn ra tại các NH mà còn nhiều nhóm doanh nghiệp khác, mà những CP như: DHG, BMP, VNM… đã được hưởng lợi rất nhiều. Câu chuyện không mới, nhưng hàng hóa tốt thì luôn có sức hấp dẫn, và trong từng bối cảnh của TT, sẽ được nhìn nhận, tính toán cũng như kỳ vọng khác nhau. Và có thể khẳng định rằng, thoái vốn vẫn sẽ là chủ đề quan trọng trên TTCK Việt Nam trong thời gian tới và tất nhiên thoái vốn thì phải được giá, muốn được giá thì diễn biến TT chung phải thuận lợi, hàng hóa bán ra có tiềm năng tăng trưởng dài hạn để có lợi cho bên mua.

Thống kê trong 10 phiên gần nhất, khối nước ngoài có năm phiên mua ròng và năm phiên bán ròng trên TT, một biểu hiện rất khác với suốt cả quý II cũng như đầu tháng 7. Việc đẩy mạnh mua ròng trở lại của NĐT nước ngoài thoạt nhìn có vẻ bất ngờ trong bối cảnh TTCK thế giới diễn ra sự phân hóa khá gay gắt. Dòng vốn nước ngoài đã rút khỏi một số TTCK mới nổi và đây được xem là thông tin gây bất lợi cho TT trong nước. Nhưng trong thực tế, bản chất của dòng vốn là đi tìm cơ hội thuận lợi, còn các yếu tố “mới nổi” hay “cận biên” cũng chỉ là cơ sở để tìm kiếm đánh giá.

Nếu TTCK Việt Nam vẫn chứng tỏ được sự hấp dẫn thông qua hàng hóa chất lượng, khả năng tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận thì cho dù xu hướng rút vốn khỏi các TTCK mới nổi có diễn ra, vẫn hoàn toàn có thể xuất hiện những ngoại lệ. Diễn biến TTCK quốc tế cần được xem xét ở nhiều góc độ thay vì đánh đồng tất cả. Tác động trực tiếp từ diễn biến của các chỉ số quốc tế trong ngắn hạn vẫn có thể xảy ra, nhưng về mặt dài hạn, NĐT nước ngoài sẽ phải nhìn vào các yếu tố hấp dẫn riêng biệt của TTCK Việt Nam.

Từ ngưỡng 930 điểm, một tháng qua, VN Index đã bổ sung thêm 60 điểm với khoảng bốn đợt sóng tùy theo cách phân chia và nhiều CP đã tăng giá được 10-20% rất thuyết phục. Dòng tiền đã quay trở lại TT và với việc VN Index giảm từ 1.200 điểm xuống 900 điểm đã tạo ra một loạt CP có mặt bằng giá rẻ. Vậy nên, mua CP tại thời điểm VN Index 930 điểm hay 980 điểm với kỳ vọng tăng trưởng dài hạn khả quan, và với mặt bằng giá rẻ thì không nhiều NĐT cả trong nước lẫn nước ngoài sẽ phải lăn tăn.

Tuy nhiên, câu chuyện giá rẻ có lẽ là câu chuyện chứa đựng nhiều bất ngờ và cả rủi ro nhất của TT bởi đơn giản, nếu trong một trend (xu hướng) xuống, giá CP rẻ vẫn có thể được chờ cho rẻ hơn nhưng nếu là một trend lên thì giá đắt vẫn có thể đắt hơn nữa. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ câu chuyện giá rẻ cũng cần được nhìn nhận một cách thận trọng để tìm kiếm những CP “chất” với nền tảng kinh doanh tốt, thị phần, doanh thu, lợi nhuận hứa hẹn còn nhiều cơ hội tăng trưởng, những tên tuổi lớn.

Với những câu chuyện trên, đây mới chính là lực đẩy quan trọng để VN Index, theo nhận định của các chuyên gia, có thể chinh phục trở lại ngưỡng 1.000 điểm hoặc không cần quá lâu để TT có thể thấy lại các ngưỡng 1.100 điểm hay 1.200 điểm.