Kinh nghiệm truyền thông

Chưa bao giờ có một sản phẩm mới nào trên thị trường chứng khoán (TTCK) lại có mật độ truyền thông dày như chứng quyền có bảo đảm (CW). Và cũng chưa bao giờ, nhà đầu tư (NĐT) được thấy một kế hoạch truyền thông, tập huấn bài bản xuyên suốt từ cơ quan quản lý cho đến các công ty chứng khoán (CTCK) như tại thời điểm này.

Trong buổi họp báo về các vấn đề liên quan CW tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Hồng Sơn đã đánh giá cao công tác truyền thông từ HoSE đến với các cơ quan truyền thông về CW.

“CW là một sản phẩm có nhiều lợi điểm và cũng có rủi ro, nên khi đưa vào hoạt động cần được NĐT nhìn nhận thấu đáo. Vì vậy, việc tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm theo từng phần, cơ bản cho đến chuyên sâu là vô cùng quan trọng để NĐT có thể nắm bắt. Chưa kể, truyền thông cũng cần có tính liên tục để NĐT có thể từ nghe, đến hiểu, rồi vận dụng”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.

Sản phẩm mới luôn khiến các NĐT tò mò, nhưng nếu các cơ quan thông tấn không có lượng thông tin dồi dào thì cũng có thể khiến việc thực hiện các bài viết phục vụ bạn đọc gặp khó khăn. Nếu tinh ý có thể nhận ra sự tương đồng, thống nhất trong chiến dịch truyền thông cho CW từ HoSE, CTCK, và cả báo chí.

Điểm đầu tiên chính là việc khái lược về CW như thế nào, trong đó tập trung vào việc khi nào mua CW thì có lãi, khi nào lỗ. Các thí dụ liên quan chuyện lãi/lỗ, vốn được NĐT quan tâm nhất thường được chia sẻ đầu tiên trong các buổi tập huấn, tuyên truyền, cho đến các bài báo, cũng như phần trình bày của HoSE. Nhờ vào tần suất khá dày này mà trước tiên NĐT hiểu CW có cả ưu điểm, nhưng cũng chứa đựng rủi ro và cần phải có sự tính toán phù hợp nhất trước khi quyết định giao dịch. Đối với một NĐT cá nhân thông thường thì nhu cầu thông tin trước tiên chỉ cần có vậy, những yếu tố cần nhận định, phán đoán sâu xa hơn sẽ chỉ có tác dụng khi đã “thực chiến” với sản phẩm mới.

Một công cụ nữa cũng được HoSE phát triển để NĐT thuận lợi hơn trong giao dịch CW chính là Bảng tính BlackSchole, dùng để tính giá CW. Theo đó, khi vào website của HoSE, truy cập phần Bảng tính giá CW, NĐT chỉ cần nhập các thông số như giá cổ phiếu, giá thực hiện quyền, thời gian còn lại tới khi đáo hạn, lãi suất phi rủi ro, độ lệch chuẩn, tỷ lệ chuyển đổi thì hệ thống sẽ tự động tính ra giá CW, để NĐT có cơ sở giao dịch.

Sự tiên phong của HoSE trong việc xây dựng một hệ sinh thái thông tin cho sản phẩm mới đã và đang tác động để các CTCK phải nhanh chóng có những động thái tương tự và minh chứng rõ nhất là những buổi hội thảo về CW luôn ở trạng thái “quá tải” vì số lượng NĐT đến tham dự luôn đông hơn dự kiến. Thực tế, với những sản phẩm mới trước đây như chứng chỉ quỹ mở, quỹ ETF, hay hợp đồng tương lai, xét tổng thể, hoạt động truyền thông cũng làm khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, lại thiếu sự kết dính, thống nhất như CW, nên hệ quả là thông tin NĐT tiếp nhận không có tính liên tục, và mất nhiều thời gian hơn để “ngấm”.

Có thể nói, sự thành công về mặt truyền thông của CW là một trong những kinh nghiệm quý báu cho các sản phẩm mới tiếp theo có thể ra đời và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ NĐT, qua đó củng cố thêm niềm tin cho thị trường.