Kiếm lời trên sàn phái sinh

Kiếm lời trên sàn phái sinh vốn rất khó, nhưng gần đây có vẻ dễ dàng hơn khi thị trường cơ sở (TTCS) sụt giảm trong bối cảnh nhiều TT trên thế giới “đỏ lửa”.

Tính riêng hai phiên đầu tuần qua (ngày 5 và 6-8), chỉ số VN Index lần lượt mất 18 và 9 điểm (trong phiên có thời điểm giảm 15 điểm), tổng cộng 2,7%; chỉ số VN30 của 30 mã cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn và thanh khoản hàng đầu trên HoSE cũng giảm mạnh, lần lượt mất 13 và 6 điểm (trong phiên có thời điểm giảm 14 điểm), tổng cộng 2,2%. Theo đó, số đông CP giảm giá, khiến giá trị tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) sụt giảm; giá trị vốn hóa toàn sàn HoSE sau hai phiên “bốc hơi” gần 90.000 tỷ đồng.

Trên sàn phái sinh, nhiều NĐT dự báo khả năng giảm điểm của TTCS nên đã mở vị thế bán, qua đó thu lời không nhỏ vì bán giá cao, sau đó mua lại với giá thấp, hưởng chênh lệch giá. Dù TT lao dốc, nhưng NĐT mở vị thế mua cũng có cơ hội hưởng chênh lệch giá khi canh thời điểm mua ở mức giá thấp và bán ra ở mức giá cao hơn tại các nhịp hồi phục trong phiên.

Thực tế cho thấy, TT càng biến động mạnh, cơ hội kiếm lời trên sàn phái sinh càng nhiều. Bởi lẽ, sàn này có cơ chế giao dịch đối ứng, NĐT được phép mua bán liên tục và ghi nhận lãi/lỗ ngay lập tức, còn giá cả thì luôn “nhấp nhô” trong phiên, nên chỉ cần ra/vào lệnh hợp lý, “mua thấp, bán cao” và “bán cao, mua thấp” là giá trị tài khoản gia tăng.

Có NĐT cho biết, trong phiên 6-8, NĐT này đã mua vào hợp đồng tương lai chỉ số VN30 để đóng vị thế bán, hiện thực hóa lợi nhuận, dù vẫn có tâm lý bi quan khi đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc giảm giá mạnh, thấp kỷ lục so đồng USD kể từ năm 2009, sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam vì thương mại Việt - Trung có giá trị lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD. Theo đó, CNY mất giá không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, mà còn gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp. Bốn phiên giao dịch đầu tháng 8, khối nước ngoài liên tiếp bán ròng CP trên HoSE, tổng cộng hơn 710 tỷ đồng, trong khi cả tháng 7 mua ròng hơn 2.173 tỷ đồng.

Một NĐT khác cho hay, phiên 5-8, tôi đã mở vị thế bán, sau đó chuyển sang vị thế mua sáng 6-8, khi thấy TT có phiên thứ hai lao dốc và kiếm được lời do điểm số hồi phục dần. TT luôn phục hồi kỹ thuật sau khi giảm mạnh và giảm trở lại sau khi phục hồi. Cần bình tĩnh nhìn nhận diễn biến giá và ra - vào lệnh kịp thời là thu được lời. Bình thường, tôi chốt lời khi thấy lãi 1 - 2 điểm (1 điểm tương đương lãi 100.000 đồng so vốn đầu tư khoảng 18 triệu đồng/hợp đồng), nhưng với những phiên biến động mạnh, tôi để lãi chạy dài hơn.

Hiện tại, cả hai NĐT này đều đang tạm nghỉ giao dịch, chờ dấu hiệu rõ ràng hơn của xu thế TT.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ nên tham gia sàn phái sinh khi nhận thấy cơ hội rõ ràng. Ham giao dịch nhằm lãi nhanh, lãi nhiều là cầm chắc phần thua, vì càng giao dịch nhiều, đầu óc càng thiếu tỉnh táo, dễ đưa ra quyết định sai lầm trước những dao động bất ngờ của TT. Nếu ham mua đuổi, bán đuổi, NĐT sẽ tốn không ít “học phí” cho việc đầu tư và kiếm lời trên sàn phái sinh.