Không nên bán ra bằng mọi giá

Với đà đi xuống hiện tại, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm thử thách kênh tăng điểm dài hạn ngay trong một vài phiên tới, với điểm tiếp xúc nằm tại vùng 800 điểm. Theo phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK), đây được xem là một vùng hỗ trợ có ý nghĩa khá mạnh và thị trường (TT) sẽ có cơ hội hồi phục tại đây.

Phiên giảm điểm trong ngày đầu tuần (ngày 9-3) không khó để dự đoán sau những tin tức tiêu cực về dịch bệnh vào cuối tuần qua, tuy nhiên mức giảm mạnh như vậy thật sự khá tiêu cực. Áp lực bán mạnh thể hiện qua khối lượng tăng cao nhất kể từ đầu năm 2019, đồng thời vùng đáy quanh 860 điểm cũng bị xuyên thủng sau phiên này. CTCK Phú Hưng (PHS) đưa ra quan điểm, xu hướng đi ngang vùng kháng cự (sideway) dài hạn nhiều khả năng bị phá vỡ và TT có thể sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới. Ngưỡng hỗ trợ đáng chú ý có thể là vùng 780 - 800. Tuy nhiên, theo PHS, vùng quanh 825 điểm có thể là ngưỡng hỗ trợ tạm thời, giúp TT hồi phục trong một vài phiên tới. Ngưỡng kháng cự mạnh sẽ là vùng 875 - 890. Nhà đầu tư (NĐT) nên tiếp tục đứng ngoài TT, hạn chế tham gia bắt đáy.

Cùng quan điểm này, CTCK Tân Việt (TVSI) nhận định, TT mở cửa giảm sâu trong phiên đầu tuần do thông tin Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam. Hiệu ứng bán tháo xuất hiện ở nhiều nhóm cổ phiếu khiến cho đà giảm mạnh được duy trì tới cuối phiên. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên TT trong các phiên tiếp theo. Vì vậy, NĐT nên tiếp tục đứng ngoài quan sát và hạn chế mua bán ở thời điểm hiện tại.

Với quan điểm khá lạc quan, theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), VN Index giảm điểm ngay từ thời điểm mở cửa và tiếp tục lao dốc về cuối phiên 9-3, hình thành mẫu hình nến khá tiêu cực. Với đà đi xuống hiện tại, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm thử thách kênh tăng điểm dài hạn ngay trong phiên ngày mai với điểm tiếp xúc nằm tại vùng 800 điểm. Đây được xem là một vùng hỗ trợ có ý nghĩa khá mạnh và nhiều khả năng TT sẽ có cơ hội hồi phục tại đây.

Như vậy, sau một tuần tăng điểm cùng xu hướng với các TT lớn trên thế giới, việc TT trong nước giảm sâu ngay ở phiên đầu tuần hoàn toàn nằm ngoài các kịch bản của giới đầu tư đã chỉ ra trước đó. Nguyên nhân chính dẫn đến việc TT giảm trong phiên giao dịch ngày 9-3 là do giá dầu giảm mạnh, dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu ở Hà Nội và khối NĐT nước ngoài vẫn bán ròng phiên thứ 20 liên tiếp. Giới phân tích khuyến cáo, NĐT nên bình tĩnh, không nên bán ra bằng mọi giá, phiên giảm do yếu tố tâm lý nên khả năng phục hồi cũng sẽ rất nhanh, bởi TT sau nhịp giảm sâu thường sẽ có những phiên hồi kỹ thuật.