Khó khăn của nhà quản lý quỹ!

Nhiều nhà quản lý quỹ (NQLQ) rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười trong vài năm qua và đặc biệt trong bối cảnh của thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay.

Lãnh đạo của một quỹ có tiếng trên TT mới đây chia sẻ, gần nửa thập kỷ qua, suất sinh lãi của quỹ luôn đạt tỷ lệ trung bình khoảng 20%/năm, còn quy mô tài sản mà nhà đầu tư (NĐT) gửi vào quỹ thì tăng tính bằng… lần (tức là từ 100% trở lên) nhưng chưa bao giờ hết lo lắng. Bởi lẽ, quy mô tài sản càng lớn, việc duy trì suất sinh lời như trước đã là khó, huống chi thường phải làm hơn năm trước để có tăng trưởng, lại còn khó hơn.

Suất sinh lời quá tích cực của TTCK Việt Nam những năm qua đã hút rất nhiều nguồn vốn nước ngoài, nhất là tại những TT mà suất sinh lời chỉ vài %/năm, nghĩa là còn thua tỷ lệ tăng của cổ phiếu (CP) trong một phiên tăng kịch trần (thường là 7% trở lên). Điều này vô tình gây ra sức ép dành cho các NQLQ, sức ép không dừng lại ở câu chuyện sinh lời, vì phàm đã làm nghề quản lý tiền, những người trong ngành này tất nhiên phải chấp nhận quy luật và sự khắc nghiệt. 

Thử bắt đầu từ câu chuyện một vài dòng tiền nước ngoài có thói quen tham gia TTCK Việt Nam trong những năm gần đây, nhìn ở ngoài thì dân chứng khoán vẫn thấy tăng đều, tích cực, nhưng các NQLQ vẫn luôn tỏ ra thận trọng vì xu hướng “bán nhanh” hoặc muốn “rút nhanh” của nhóm này. Theo đó, chỉ cần TT có chiều hướng không thuận lợi, hoặc đơn giản là một chu kỳ sinh lời chấm dứt và đang trong giai đoạn bước sang chu kỳ khác thì nguồn vốn của nhóm này bị thu hồi nhanh bằng cách bán ra, hoặc NĐT yêu cầu quỹ bán ra thu về chờ cơ hội lại đổ vào. 

Việc này là điều rất “kỵ” trong nghiệp vụ quản lý danh mục vì danh mục như vườn cây, phải được NQLQ tỉa tót, chăm bẵm, xén chỗ này, vun chỗ khác và tất nhiên phải chờ cho lớn theo thời gian. Cách làm này khiến cho quỹ mới đó nhiều tiền nhưng cũng có thể bị NĐT rút tiền lập tức, hoặc nếu việc này không diễn ra, áp lực bị rút tiền cũng luôn hiển hiện trong đầu của những NQLQ, mà đôi khi nó còn lớn và nặng nề hơn cả việc theo dõi TT biến động.

Tính đến thời điểm này, có thể khẳng định, những quỹ có bề dày kinh nghiệm, có tên tuổi trong nước như: Baoviet Fund, VFM, SSI AM… hay quỹ nước ngoài như: VinaCapital, Eastspring… vẫn đang hoạt động rất thuận lợi và không có gì bất ngờ nếu báo cáo cuối năm cho ra những tỷ suất sinh lời lớn. Nhưng cũng dám chắc một điều rằng, những NQLQ của các quỹ này cũng không quá vui mừng vì… Covid-19. TTCK Việt Nam thuận lợi bất chấp tình hình dịch bệnh trên thế giới đã tạo ra những niềm vui, nỗi lo đan xen. 

Vui vì dù khó khăn chung mà vẫn có cơ hội, nhưng lo là vì nếu năm 2020 “thắng” quá lớn thì việc lên một kế hoạch, hay dự báo cho năm 2021 là không hề đơn giản và đây được xem như một loại rủi ro “không thể đoán định”. NĐT dù có hiểu 2020 là một năm rất khác nhưng vẫn sẽ thắc mắc nếu NQLQ đưa ra một kế hoạch thận trọng cho năm 2021. NQLQ cũng quá khó để lại đưa ra một kế hoạch quá lạc quan cho năm sau, nhưng nếu không làm vậy, nguy cơ bị gây áp lực, thậm chí rút tiền lại tiềm ẩn.