Khi sóng đã lặng

Hút mạnh dòng tiền trong suốt giai đoạn 2016-2018, nên việc cổ phiếu (CP) ngành thép bước vào giai đoạn khó khăn trong năm 2019 cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là cách ứng xử của nhà đầu tư (NĐT), cũng như những chuyển động trong giai đoạn này sẽ như thế nào.

Chấp nhận thực tế

Biểu hiện rõ nhất của CP ngành thép hiện nay chính là nhiều mã chứng khoán đang có giá dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP, chẳng hạn như NKG hiện chỉ có giá hơn 6.000 đồng/CP, TLH chỉ hơn 5.000 đồng/CP… đây là những CP đình đám một thời. Như trường hợp của NKG, hiện còn đang được một số quỹ đầu tư nước ngoài sở hữu. Hay mã DTL mặc dù giá vẫn ở mức khá cao, hơn 24.000 đồng/CP, nhưng tính trong khoảng 10 phiên giao dịch gần nhất thì có đến 5 phiên không có giao dịch, tình trạng “liệt” thanh khoản cũng đáng sợ ko kém việc CP lao dốc, bởi lẽ NĐT muốn bán chưa chắc đã bán được.

Những doanh nghiệp (DN) kể trên ít nhiều có lợi thế trong kinh doanh, nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, cổ phiếu đã bị “thị trường hóa” đôi khi quá mức, dẫn đến những biến động có thời điểm không còn tương đồng với nền tảng của DN. Dòng tiền đầu cơ khi kéo đến những NKG hay TLH quá nhiều, không còn cảm thấy “ngon ăn” nữa thì lại bỏ đi kéo theo thanh khoản giảm sút. Và NĐT khi thấy thanh khoản giảm xuống sẽ phải e dè, giá CP dù có tạo đáy cũng không dễ gì bật lên. Điểm nữa cũng phải làm rõ là từ chỗ lạc quan, cái nhìn của NĐT với nhóm CP “hết nóng” này sẽ trở nên khắt khe hơn, cùng một loại thông tin, khi hưng phấn có thể khiến cho CP tăng 10-15% nhưng lúc này chỉ có thể khiến CP tăng chưa đầy 5%, đó là thực tế phũ phàng nhưng phải chấp nhận.

Những chuyển động phía sau

Giá CP rẻ luôn là cơ hội cho các hoạt động gom mua, đặc biệt là mua số lượng lớn với mục tiêu dài hạn. Tùy vào quy mô của từng DN, nhưng nhìn về tổng thể, những DN ngành thép nếu có hệ thống sản xuất bài bản, thị phần tốt thì dù giá CP có thấp vẫn luôn là sức hút đặc biệt. Câu chuyện lúc này có thể sẽ là cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông (CĐ). Chẳng hạn, giá CP giảm có thể khiến cho một số nhóm CĐ nào đó “mắc kẹt” thì việc xuất hiện một nhóm CĐ mới cũng có thể là cơ hội để thoát hàng. Tuy nhiên, giữa phe mới và cũ có thể sẽ là một cuộc chiến để trả giá, bên mua tất nhiên muốn có giá tốt, nhưng bên bán chắc chắn không bị ép giá.

Ngoài ra thì lãnh đạo DN, hoặc những cổ đông nội bộ cũng có thể nhân cơ hội này gia tăng tỷ lệ sở hữu tại DN thông qua các đợt đăng ký mua vào. Các hoạt động này khi diễn ra trong ngắn hạn có thể tạo ra những biến động về giá CP và NĐT bên ngoài cũng có thể tận dụng được nếu khôn khéo.

Nhưng NĐT cũng nên nhớ rằng, khi sóng ở các nhóm CP như thép đã lặng, thì việc nổi trở lại trong ngắn hạn là điều gần như không thể, nên việc thay đổi kỳ vọng về lợi nhuận, thay vì 10-15% hay thậm chí 30-40% như trước, lúc này đây mục tiêu hướng đến chỉ nên từ 3-5%.