Khi phân tích... quá tải

Sự suy giảm đã diễn ra tại khá nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng trong chứng khoán thì có vẻ ngược lại. Minh chứng là các chuyên gia phân tích chứng khoán, nhất là những đội ngũ (team) có tiếng, thời gian qua đều rơi vào trạng thái… quá tải.

Tăng… toàn diện

Giám đốc phân tích tại một trong những công ty chứng khoán (CTCK) lớn nhất hiện nay lý giải: Việc chứng khoán diễn biến tích cực những tháng qua bất chấp dịch bệnh đã khiến mọi người phải nhìn thị trường (TT) với một cách khác, đó là kỹ lưỡng hơn, cẩn trọng hơn và như vậy, nhu cầu tìm hiểu để nắm bắt thông tin sẽ lớn hơn rất nhiều. Chưa kể những tháng qua cũng ghi nhận một lượng lớn nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia TT, tất nhiên nhu cầu thông tin, dù chỉ là những thông tin cơ bản, cũng sẽ tăng cao. Nên thậm chí, thu nhập của những người làm phân tích thời gian qua còn được cải thiện. Dù vậy, áp lực đi kèm cũng là rất lớn khi những người làm nghề thường xuyên bị quá tải.

Ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3, CTCK Phú Hưng cho biết, thông thường, nhân viên môi giới có thể chia sẻ các thông tin cho khách hàng trước giờ giao dịch và tổng kết sau khi đóng cửa phiên. Tuy nhiên, nhu cầu của NĐT vốn đã khá lớn thì vào giai đoạn dịch bệnh có khi còn lớn hơn, nghĩa là nhân viên phải sẵn sàng cung cấp thông tin một cách thường xuyên nếu khách hàng hỏi. Cũng phải làm rõ việc cung cấp thông tin ở đây không chỉ ở giá trị của thông tin, phân tích hay nhận định mà là một công cụ để gắn kết giữa CTCK và khách hàng, cho thấy cam kết trong việc bảo đảm quyền lợi và đúng nghĩa là “làm dịch vụ”, đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. 

Từ câu chuyện của ông Lê Anh Trí, cũng dễ dàng thấy rằng, không chỉ đội ngũ phân tích, mà chính đội môi giới, cũng có trách nhiệm chia sẻ thông tin để một phần nào đó giảm tải cho các đồng nghiệp của mình. 

Áp lực thường xuyên

Việc đội ngũ phân tích cung cấp nhanh, chính xác và đầy đủ thông tin vốn dĩ đã nhiều áp lực, nhưng áp lực lớn nhất nằm ở việc phải chịu trách nhiệm, dù chỉ là gián tiếp đến quyết định đầu tư của khách hàng. Về nguyên tắc cũng như thỏa thuận giữa khách hàng và nhân viên phân tích hay môi giới là việc ra quyết định mua/bán sẽ thuộc về khách hàng và họ tự chịu trách nhiệm, nhưng trong thực tế chưa bao giờ đơn giản. 

Một chuyên gia phân tích với 15 năm làm việc trong ngành chứng khoán kể lại, áp lực lớn nhất chính là cách hỏi đột ngột, thậm chí ngang xương từ khách hàng, kể cả đó là những khách hàng lớn, thậm chí có cả NĐT nước ngoài. Kịch bản vốn rất quen thuộc là cổ phiếu đã được phân tích, định giá, khuyến nghị, nhưng khách hàng không chú ý, theo dõi, đến một thời điểm bỗng nhiên tăng mạnh, lúc này một loạt cuộc gọi, tin nhắn gửi đến chuyên gia phân tích, dù hỏi trực tiếp hay gián tiếp thì cũng đều là “có mua hay không?”, “tăng đến khi nào?”. 

Trong những thời điểm này, nếu không thể tỉnh táo, khéo léo và cả quyết đoán, chuyên gia phân tích hay thậm chí nhân viên môi giới có thể mắc lỗi, không chỉ trong nhận định mà có khi là những lỗi giao tiếp. Một nhân viên môi giới kể lại, có những trường hợp, khuyến nghị một đằng, khách lại làm một nẻo, nhưng vì kết quả không như kỳ vọng, lại quay trở lại trách cứ rất nặng nề.