Khách quan hay mâu thuẫn?

Nói về chức năng tư vấn, khuyến nghị để nhà đầu tư (NĐT) giao dịch, nhiều người sẽ nghĩ đến bộ phận phân tích - nghiên cứu của công ty chứng khoán (CTCK). Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, đội ngũ môi giới cũng khá năng nổ trong công tác tư vấn, phân tích cho khách hàng. Nhưng lâu nay vẫn tồn tại độ vênh, thậm chí là khác biệt lớn giữa hai kênh tư vấn này, và đây là vấn đề rất đáng bàn.

Lãng phí nguồn lực

“Khách quan, bảo vệ khách hàng” là những lý lẽ thường được CTCK đưa ra để lý giải nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Một thí dụ rất điển hình, bộ phận phân tích của CTCK khuyến nghị mua một cổ phiếu (CP) nào đó trên báo cáo nhưng môi giới lại dặn khách hàng đừng mua. Trong trường hợp CP này giảm giá hoặc không tăng thì môi giới đúng là đã bảo vệ được khách hàng, nhưng nhìn rộng hơn thì chưa chắc vì có nhiều NĐT lỡ nghe theo báo cáo của CTCK đã bị thiệt hại. Thậm chí, ngay trong CTCK, nếu có môi giới nghe theo phân tích rồi khuyến nghị lại cho khách hàng thì cũng chịu cảnh thiệt thòi, nên tính ra chỉ một bộ phận khách hàng (thậm chí là rất ít) được bảo vệ.

Một trường hợp ngược lại là CTCK khuyến nghị, nhưng môi giới nghi ngờ và khuyên khách hàng đừng hành động, trong khi NĐT bên ngoài lại có kỳ vọng nên mua vào và thắng lớn. Như vậy là CTCK đã không đem lại lợi ích cho khách hàng mà làm lợi cho người ngoài.

Một số NĐT đã từng ngầm hiểu rằng, bộ phận phân tích của CTCK đôi khi chỉ đóng vai trò “làm màu” nhiều hơn là đem lại lợi ích thực tế, bởi môi giới khuyến nghị không tốt, khách hàng có thể bỏ sang môi giới khác, trong khi phòng phân tích có khuyến nghị sai cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều về quyền lợi ngắn hạn.

Nhưng nếu các báo cáo phân tích chỉ để đọc cho vui hay chỉ có giá trị tham khảo thì việc CTCK đầu tư rất nhiều tiền của để tuyển dụng nhân sự, trang bị công nghệ cho bộ phận này hóa ra lại rất lãng phí?

Tìm giải pháp

Một số CTCK đã phân lại nhiệm vụ tư vấn theo từng nhóm khách hàng. Theo đó, bộ phận nghiên cứu - phân tích sẽ phụ trách nhóm khách hàng tổ chức. Điều này cũng khá hợp lý vì đội ngũ phân tích thường có xu hướng đánh giá trung và dài hạn, lựa chọn CP để đầu tư giá trị. Việc tư vấn cho khách hàng cá nhân sẽ do bộ phận môi giới hoặc từng nhân viên đảm trách. Theo đó, từng nhân viên môi giới sẽ lọc CP dựa trên số liệu thống kê, biểu đồ kỹ thuật để khuyến nghị cho NĐT. Cũng có CTCK lập ra hai khối phân tích riêng biệt dành cho cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, cách làm nào cũng đòi hỏi sự nhất quán để đem lại kết quả tốt nhất.

Chẳng hạn, có CTCK đã thiết lập chức năng của phòng phân tích là dành cho NĐT tổ chức, nhưng vẫn phát hành báo cáo cho NĐT cá nhân. Với nghiệp vụ đó, liệu rằng những chuyên gia phân tích có thể tìm được sản phẩm phù hợp cho NĐT cá nhân hay không?

NĐT cá nhân thường giao dịch ngắn hạn, nhưng khuyến nghị lại trong trung và dài hạn là không phù hợp. Không thể đòi hỏi mức độ chính xác cao nhất trong nhận định, nhưng chắc chắn, nếu CTCK có sự tách bạch trong hoạt động này, thì mức độ tập trung chuyên môn sẽ cao hơn để bảo đảm quyền lợi cho từng nhóm NĐT.