Kế hoạch “âm”

Dịch covid-19 đã tạo ra những ảnh hưởng không thể tránh khỏi cho nền kinh tế và tất nhiên kế hoạch kinh doanh (KHKD) của doanh nghiệp (DN) cũng sẽ phải thay đổi. Một số DN đã đề ra kế hoạch thấp hơn so bình thường, thậm chí “lỗ kế hoạch” hoặc thay đổi hẳn KHKD của mình.

Trước tiên cần rạch ròi rằng, việc DN bị ảnh hưởng bởi xu hướng chung là không thể tránh khỏi và nhà đầu tư (NĐT) sẽ chấp nhận, thông cảm và chia sẻ, điều quan trọng ở đây là kế hoạch phải phù hợp để tránh hai tình trạng. Thứ nhất, DN đưa KHKD sụt giảm nhưng trong thực tế còn sụt giảm nhiều hơn, cách làm này cốt để yên lòng NĐT và giữ giá cổ phiếu (CP). Thứ hai, DN cũng “tranh thủ” tình trạng khó khăn để làm giảm áp lực cho mình bằng cách hạ thấp KHKD dưới cả năng lực. Cũng cần xem xét liệu có khả năng cố tình “dìm” KHKD thật thấp để tác động đến cả giá CP cho những mục đích khác nhau hay không?

Những ý đồ này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi lẽ một NĐT bình thường không dễ gì có thể nắm được chi tiết hoạt động cụ thể của DN. Thậm chí, không phải NĐT tổ chức nào cũng có thể lượng hóa được mô hình KHKD của DN.

Vậy để có thể giải mã, hay ít nhất cũng cảm nhận tương đối chính xác về việc DN đặt KHKD sụt giảm, một NĐT cá nhân thông thường cần làm gì?

Thứ nhất, NĐT cần so sánh tương quan giữa DN và ngành nghề nói chung. Chẳng hạn, nếu ngành nghề được dự báo sẽ sụt giảm 20% doanh số thì việc DN đặt KHKD giảm 20% là điều chấp nhận được. Nhưng nếu ngành nghề chỉ thiệt hại khoảng 10% mà KHKD của DN đặt ra lại giảm đến 30% thì cần đặt dấu hỏi lớn. Nếu DN ở vị thế đầu ngành mà mức độ sụt giảm cao hơn so tình hình chung thì có khả năng DN hoặc tự hạ thấp hoặc vị thế mà DN đã công bố bấy lâu nay là có vấn đề. Thậm chí, phải mổ xẻ tiếp xem những lợi thế kinh doanh mà DN đang có như thị phần, thương hiệu là thực hay ảo.

Thứ hai, trong trường hợp NĐT nghi ngại về khả năng DN muốn giảm đi sự trầm trọng trong hoạt động của mình cần có sự tìm hiểu mang tính lịch sử. Chẳng hạn, trong suốt vòng đời của DN, hiện tượng giấu lỗ, hoặc tìm cách làm giảm lỗ đã được thực hiện lần nào hay chưa?

Ngoài ra, cần mổ xẻ kỹ hơn về khả năng của DN, như có chịu áp lực về công nợ, các khoản phải thu hay không. Ngoài ra, yếu tố dòng tiền và khả năng duy trì dòng tiền cũng cần phải được xem xét một cách thấu đáo. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các NĐT và kể cả các chuyên gia phân tích chứng khoán, cổ đông (CĐ) lớn nhất thiết phải yêu cầu DN công khai KHKD của mình, kế hoạch vượt khó một cách chi tiết theo hai lăng kính đó là tình hình của ngành và những giải pháp của DN nương theo đó để hành động. Thậm chí, những kịch bản chi tiết hơn cũng phải được xây dựng, chẳng hạn như công ty chứng khoán xây dựng KHKD theo từng mốc điểm của VN Index là một gợi ý hay. Những giải trình này cần được chia sẻ công khai thay vì là đặc quyền dành cho một nhóm NĐT lớn, hay những “người quen” bởi DN cần nhớ rằng, tại thời điểm hiện nay, sự cảm thông, ủng hộ của tất cả các CĐ mới là nguồn lực quan trọng để có thể vượt khó và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.