Hàng “nóng”

Thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, trong hơn 1.000 mã chứng khoán (CK) đang niêm yết trên cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM, có 51 mã tăng giá từ 100% (gấp đôi) trở lên. Nhóm này được các nhà đầu tư (NĐT) gọi là hàng “nóng”.

Muốn mua không dễ

Tính ra, cứ 20 mã CK lại có một mã siêu lợi nhuận, và tỷ lệ này xem chừng hấp dẫn hơn… mua xổ số. Dù vậy, tận dụng được cơ hội lại phải dùng rất nhiều công sức, mà đôi khi lại trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Có gần 80% số mã CK tăng hơn 100% đến từ sàn UPCoM, trong khi chỉ 20% đến từ HoSE hay HNX. UPCoM là một sàn có độ mở khá cao khi có những mã CK chất lượng nhưng cũng có những mã không được đánh giá cao, kèm theo đó là độ rủi ro lớn. Những tiêu chuẩn về công bố thông tin, chất lượng của báo cáo tài chính tại UPCoM thấp hơn hẳn so HoSE hay HNX, vì vậy không phải ai cũng có thể tiếp cận sàn này.

Mặc dù đông đảo với số lượng hàng trăm nhưng mã CK nổi bật tại UPCoM chỉ tầm trên dưới 20. Nói cách khác, tìm cổ phiếu (CP) trên UPCoM cũng như chuyện đãi cát tìm vàng. Những năm trước đây, UPCoM có một loạt mã CK vừa tăng giá mạnh, vừa có thanh khoản cao như: ACV, HVN, GEX, VEA… nhưng gần đây không còn nhiều vì một số mã như: GEX, HVN đã chuyển sàn, số lượng các mã chất lượng cũng ít dần. Nhìn vào danh sách những mã tăng hơn 100% sẽ thấy phần lớn là những doanh nghiệp (DN) tên tuổi chỉ mới ở dạng tiềm năng, ít người biết. Và một yếu tố cũng rất quan trọng khác là thanh khoản của nhiều CP dạng này khá thấp, dẫn đến việc thấy CP tăng, nhưng muốn mà chưa chắc đã được. Như vậy, cơ hội tiếp cận những “mỏ vàng” trên UPCoM là rất hạn chế.

Cơ hội từ sự trỗi dậy

Trong nhóm những CP bật tăng mạnh, một số CP nửa năm trước có giá dưới 1.000 đồng, chẳng hạn như: VNX giá 777 đồng/CP, GGG giá 798 đồng/CP, STL 974 giá đồng/CP, FDG giá 400 đồng/CP… Những CP này thường được đánh giá vào nhóm “quá tệ” bởi mệnh giá là 10.000 đồng/CP mà giảm xuống dưới 1.000 đồng, nghĩa là giảm hơn 90% thì chỉ do sự yếu kém trong hoạt động, quá thiếu minh bạch trong công bố thông tin… Đó là lý do mà dân CK gọi nhóm này là “xác sống” trên sàn, nhưng trong rủi ro luôn có cơ hội và nếu biết tận dụng, “xác sống” vẫn có thể đem lại lợi nhuận.

Một môi giới CK kỳ cựu chia sẻ, để tiếp cận nhóm “xác sống”, NĐT cũng cần có những kế hoạch bài bản thay vì chỉ tiếp cận theo kiểu may rủi. Yếu tố đầu tiên cần xác định là hoạt động kinh doanh cũng như thương hiệu. Thống kê cho thấy, những “xác sống” nếu trước đây đã từng gây ấn tượng cho NĐT thường có sức bật tốt hơn. Ít nhất, cảm giác quen thuộc sẽ khiến NĐT tự tin hơn khi giải ngân, cho dù vẫn có sự e dè. Điểm kế tiếp là thông tin về hoạt động thật sự của những “xác sống”. Tất nhiên, khó đòi hỏi các DN này hoạt động bình thường, nhưng điều tiên quyết là NĐT cần phải nhận diện sự cải thiện trong hoạt động. Và điều cuối cùng, trong bất cứ chiến thuật nào cũng đều có sai số, NĐT phải chấp nhận thử và sai trước khi đón nhận thành quả.