Giữ hay bán?

Mặc dù VN Index đã vượt 900 điểm một cách ấn tượng trong tuần qua, nhưng với nhà đầu tư (NĐT) việc tìm kiếm lợi nhuận lúc này không hề đơn giản.

Thế khó của NĐT cá nhân

Một môi giới 15 năm kinh nghiệm nhận định: “Chỉ những cổ phiếu (CP) trụ cột, nghĩa là những CP có vốn hóa lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của VN Index tăng giá đã làm khó rất nhiều NĐT cá nhân. Nếu mua CP trụ thì chưa chắc T+3 đã có lãi, nhưng nếu chọn nhóm CP khác thì thậm chí còn có nguy cơ thua lỗ, vì khi VN Index tăng nhóm này chưa chắc đã tăng, còn khi chỉ số này giảm thì lập tức giảm theo”. 

Thực tế, ngay cả những CP thuộc dạng “hot”, thường tăng mạnh cũng chưa chắc đem lại lợi nhuận. Hãy bắt đầu với nhóm CP khu công nghiệp và các yếu tố có liên quan bao gồm: SZC, SZL, TIP hay PHR sẽ thấy những biến động điển hình của thị trường (TT). Từ mức giá chỉ khoảng 18.000 đồng/CP vào đầu tháng 8, TIP tăng vọt lên 26.500 đồng/CP vào giữa tháng, nghĩa là suất sinh lời lên đến gần 50% chỉ trong thời gian rất ngắn. 

Tuy nhiên, do TIP là “ngôi sao mới” của TT, tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) rất thấp, khiến cho NĐT ngại mua vào vì nghĩ rằng không có margin thì CP khó tăng mạnh, hoặc nếu tăng mạnh thì suất sinh lời cũng không thể bằng việc sử dụng thêm margin. Từ mức giá 50.000 đồng/CP cuối tháng 7, PHR tăng lên 55.000 đồng/CP vào giữa tháng 8 và trong những ngày cuối tháng còn phát ra những tín hiệu về khả năng vượt mốc 60.000 đồng/CP, nhưng tính đến cuối tuần qua, giá của PR cũng chỉ là 58.000 đồng/CP. 

Diễn biến của SZC, SZL cũng tương tự PHR, trong phiên có thể bùng nổ, nhưng chốt phiên thường giá thấp hơn lúc cao nhất và NĐT nếu không tỉnh táo có thể lỗ ngay trong phiên. 

Làm sao để không mất cơ hội?

Những câu chuyện trên đây chỉ ra một điều rằng, giữ nguyên danh mục chưa chắc đã có lãi, vì trong ngắn hạn thậm chí thua lỗ, hoặc mất cơ hội để “đảo hàng” sang nhóm CP khác thuận lợi hơn. Nhưng nếu đảo hàng không chính xác thì vừa tốn phí, có khi CP mình vừa bán ra lại tăng, trong khi CP mua vào lại đứng im.

Vậy đâu là sự lựa chọn hợp lý? 

Trước tiên cần phải xác định cả TT, chứ không riêng bất kỳ CP nào đang đi theo trend (xu hướng) sideway-up, nghĩa là đi ngang rồi lại đi lên. Xét về mặt tổng thể, CP vẫn sẽ tăng, nhưng cái khó là biểu đồ tăng sẽ không theo chiều thẳng đứng, hay tăng một mạch mà tăng theo kiểu tiến ba - bốn bước lại giảm một - hai bước. 

Với tâm thế này, NĐT dù chọn được CP có khả năng tăng, thì cũng phải tính toán được thời điểm, nghĩa là mua lúc giảm và bán lúc tăng thì mới có lãi. Câu chuyện phục hồi hiện nay vẫn là chủ đạo để tạo sức bật cho nhiều CP, nhưng điểm khác biệt ở đây khi VN Index đã qua 900 điểm, nghĩa là mức định giá cho TT sẽ cao hơn, đòi hỏi kỳ vọng nhiều hơn, vậy kỳ vọng ở đây là gì? 

Nhiều khả năng sẽ là những kết quả thực tế, chẳng hạn tạm ứng cổ tức nửa đầu năm, hoặc kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III-2020 và tổng ba quý đầu năm 2020 tích cực. Diễn biến từ TT chứng khoán thế giới cũng có thể là một tác nhân nhưng sẽ chỉ phát huy tác dụng nếu NĐT mua những cổ phiếu ảnh hưởng đến biến động của VN Index.