“Giấy phép” quản lý quỹ có giá

Nửa thập kỷ trước, để mua một công ty quản lý quỹ (QLQ) hoạt động cầm chừng, nghĩa là chỉ mua “giấy phép”, chi phí bỏ ra chỉ tầm 10 tỷ đồng. Nhưng nay thì đã khác, khi giá trị một công ty QLQ đã lên tới con số trên dưới hai triệu USD (hơn 45 tỷ đồng).

Không thể phủ nhận, nguồn vốn mà các quỹ đầu tư trong nước huy động trong những năm gần đây đã tăng mạnh, từ chỗ chỉ đạt mức tối thiểu 50 tỷ đồng/quỹ, hiện nay vốn của các quỹ trong nước đã tiến lên mốc trăm tỷ đồng và đã có nhiều quỹ vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Nhưng rõ ràng, số lượng quỹ trong nước cũng như quy mô nguồn vốn vẫn còn một khoảng cách khá lớn so quỹ nước ngoài. Mua công ty QLQ là để gọi vốn thành lập quỹ, nhưng khi việc thành lập quỹ vẫn còn nhiều thách thức thì tại sao giá của công ty QLQ lại tăng như vậy? Đó là còn chưa kể một người đã có thâm niên hơn 10 năm làm việc trong ngành QLQ ở nhiều nước trên thế giới còn cho biết, xét về thủ tục, thành lập một công ty QLQ ở một số thị trường tài chính hàng đầu trên thế giới còn… dễ hơn Việt Nam.

Sự “đắt đỏ” liệu có phi lý hay không? Hiện nay, săn tìm “giấy phép” công ty QLQ nhiều nhất có thể kể đến các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Thực tế, nguồn vốn đầu tư vào các công ty tư nhân chưa niêm yết (private equity) cũng như trên sàn đến từ “xứ sở kim chi” đã tăng mạnh, kéo theo sự xuất hiện của một loạt công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc. Các tập đoàn tài chính của Hàn Quốc đã rót vốn vào mảng chứng khoán, rồi ngân hàng ở Việt Nam, nên đích đến tiếp theo là ngành QLQ cũng không có gì khó hiểu, bởi đây đều là những lĩnh vực trụ cột. Chưa cần bàn đến hiệu quả thì việc có đầy đủ các ngành nghề cốt lõi như vậy cũng sẽ khiến các khoản đầu tư trở nên giá trị hơn rất nhiều. Và nếu nhìn ở góc độ này thì cái giá hai triệu USD cho một công ty QLQ cũng là quá hời nếu so với túi tiền và lợi thế mà các tập đoàn tài chính nhận được.

Một khía cạnh khác cũng cần lưu ý là “thị phần” của ngành quỹ. Có thể lấy thí dụ, khi hai công ty QLQ đều huy động được 100 triệu USD, nhưng công ty A huy động được từ hai thị trường (trong đó có Việt Nam) thì sẽ được đánh giá cao hơn công ty B (chỉ huy động được từ một thị trường). Dưới góc nhìn của nhà đầu tư thì B còn có khả năng huy động được nhiều hơn, mạng lưới rộng hơn nên cơ hội đầu tư sinh lãi cũng cao hơn dù rằng trong thực tế, hiệu quả của A chưa chắc đã cao hơn hẳn B. Đó cũng là lý do mà hiện nay một số công ty QLQ nước ngoài có quy mô lớn như VinaCapital hay Dragon Capital vẫn duy trì ảnh hưởng tại các công ty QLQ trong nước như VinaWealth hay VFM. Chưa kể, công ty QLQ nước ngoài thì không thể huy động vốn tại Việt Nam, nên việc sở hữu một công ty QLQ nội địa sẽ giúp cho mục tiêu này trở nên thuận lợi hơn. Nhưng câu chuyện lên giá của “giấy phép” QLQ còn cho thấy sự hấp dẫn của thị trường tài chính Việt Nam trong cả trung và dài hạn, bởi càng có nhiều công ty QLQ thì dòng vốn càng tập trung và thanh khoản sẽ ngày một ổn định theo hướng đi lên.