Giải pháp & niềm tin

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo về việc chuẩn bị nâng giới hạn lô cổ phiếu (CP) từ 10 thành 100. Chung quanh giải pháp này, đã có những ý kiến đáng chú ý và cũng đáng kỳ vọng.

Tuần qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã ra văn bản phản đối kế hoạch của HoSE với lý do việc giao dịch lô 100 CP có thể khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ. Chẳng hạn, với những CP từ 10 “chấm” (tức 100.000 đồng) trở lên thì trước đây nếu muốn sở hữu chỉ cần từ hơn một triệu đồng, nhưng nay bắt buộc phải có từ hơn 10 triệu đồng. Giả sử, nếu một nhà đầu tư (NĐT) muốn “mua thử” CP mã VNM thì hiện nay chỉ cần bỏ khoảng 1,1 triệu đồng để sở hữu 10 CP, nhưng nếu phải mua lô 100 thì phải tốn hơn 11 triệu đồng. Điều này dẫn đến việc có thể hạn chế phần nào cơ hội tiếp cận chứng khoán của những người muốn mua thử để tìm hiểu về kênh đầu tư này. 

Phần nào, ý kiến của VAFI cũng xác đáng, nhưng cần nhìn nhận vấn đề là việc các giải pháp của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán (TTCK) đưa ra có sự phản biện là điều tích cực và các ý kiến phản biện cũng là bình thường bao lâu nay.

Có một quy luật mà ít ai nhắc đến, đó là các giải pháp từ việc tăng thêm phiên chiều, cho đến việc chia nhỏ các bước giá trước đây, thậm chí các ý kiến phản biện còn mạnh mẽ hơn. Nhưng các cơ quan quản lý cũng có lập luận và cơ sở của mình để bảo lưu và triển khai các quy định. Thực tế cho thấy nhiều giải pháp đem lại tác dụng khá tích cực. Vì vậy, NĐT một mặt cũng lắng nghe ý kiến của VAFI hay bất kỳ ý kiến phản biện phù hợp nào, nhưng cũng cần có niềm tin cho riêng mình. Điều chắc chắn là việc nâng lô giao dịch cũng đã được HoSE tính toán kỹ lưỡng, từ đó mới thông báo thử nghiệm rồi mới áp dụng chính thức. 

Mặt khác, lô 100 cũng không có gì lạ vì đã áp dụng cho hai sàn UPCoM và HNX từ lâu. Nâng thành lô 100 sẽ góp phần chuẩn hóa giao dịch các sàn, đồng thời giảm tải áp lực hệ thống từ cơ quan quản lý đến công ty CK.

Thực tế các giải pháp phải đi cùng với bối cảnh TT, chuyên gia CK Hoàng Thạch Lân nhớ lại, khi TTCK mới hoạt động vào năm 2000 thì lô giao dịch là 100 nhưng vài năm sau thì lui về lô 10. Nghĩa là tùy bối cảnh, mà cụ thể ở đây là với mỗi phiên với giao dịch lên đến 10.000 tỷ đồng lại là phù hợp để quay lại lô 100. Hiệu ứng tích cực ở đây, có thể hiểu là dòng tiền dồi dào đủ để thích nghi với lô lớn, chưa kể với lô giao dịch tối thiểu lớn hơn cũng kỳ vọng thanh khoản TT sẽ lớn, qua đó đem lại sự ổn định và bền vững.

Thật ra, việc tiếp cận CP giá cao khó hơn, nhưng vẫn còn đó nhiều CP nền tảng tốt mà giá vẫn khá rẻ và TT có cả nghìn mã CK như thế cho thấy sự lựa chọn sẽ không bị hạn chế, trái lại còn là cơ hội cho những mã giá rẻ.