Festival cần chuyên nghiệp và minh bạch

Hằng năm có rất nhiều festival diễn ra trên khắp cả nước và thường liên quan đến các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, các festival có điểm nhấn và duy trì sự liên tục như: fesival Huế, festival hoa Đà Lạt, festival biển Nha Trang… lại không nhiều. Để tạo nên những thương hiệu festival như vậy, cần có một chiến lược, tổng thể dài hơi, không chỉ có yếu tố chuyên môn mà vấn đề kinh tế, tài chính cũng phải được tính đến.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, chi phí để tổ chức cho mỗi kỳ festival trong một thập kỷ qua chỉ dao động quanh mức 20 tỷ đồng. So với số lượng các hoạt động (thường khoảng 50 hoạt động) cũng như chất lượng chuyên môn ổn định và ngày một nâng cao thì con số 20 tỷ đồng, có những năm còn thấp hơn, được chi ra là vô cùng hiệu quả. Chi phí thấp cũng có thể thu hút được nhiều hơn các nhà tài trợ (NTT) là những doanh nghiệp, đã và đang đầu tư kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa tham gia, điều này dẫn đến tỷ lệ xã hội hóa của festival luôn ở mức cao, tiết kiệm được ngân sách.

Là một trong những người tham gia festival biển Nha Trang lần đầu tiên vào năm 2003, đến fesival lần thứ 9 vào năm nay, sẽ khai mạc vào ngày 10-5 tới đây, ông Lê Văn Hoa cho rằng, mấu chốt để tạo nên sự thành công của một festival, không chỉ là khách du lịch, mà nền tảng phải đến từ “chủ nhà”.

“Tôi vẫn còn nhớ rất rõ trong những festival biển đầu tiên, tiết mục diễu hành thuyền buồm trên biển Nha Trang đã gây ấn tượng cực mạnh đối với người dân Khánh Hòa. Cũng như nhiều du khách thường chọn các quán ăn có đông người địa phương, thì việc một sự kiện văn hóa, xã hội lớn chinh phục được người dân tỉnh là bắt buộc. Bởi lẽ, chính mỗi người dân sẽ là một đại sứ để quảng bá cho sự kiện với giá trị bảo chứng cực kỳ lớn”, ông Lê Văn Hoa nhấn mạnh.

Với mục tiêu festival biển Nha Trang phải là của tất cả người dân trong tỉnh, những năm gần đây, phạm vi tổ chức các sự kiện không chỉ dừng tại thành phố Nha Trang, mà lan tỏa ra cả các tỉnh, thành phố lân cận.

Xét dưới góc độ kinh tế, cách làm này của tỉnh Khánh Hòa đã tạo ra một thị phần rất lớn vì có cả khách du lịch lẫn người dân địa phương và với “tệp” khách hàng này các NTT cũng sẽ hào hứng khi tham gia để đổi lại những lợi ích về mặt quảng bá thương hiệu. Dù vậy, vẫn còn những thách thức cho các lễ hội, đó là dòng tiền tài trợ không phải lúc nào cũng có sẵn hoặc luân chuyển một cách ổn định. Thông thường, một số NTT lớn có thể cam kết và giải ngân từ sớm, tuy nhiên với một số NTT mới hoặc quy mô nhỏ hơn, sự thận trọng, thăm dò là không tránh khỏi.

“Trong trường hợp này, việc cần thiết nhất là địa phương cần có được một quy trình tổ chức rõ ràng, vận hành hiệu quả. Một số NTT thường sẽ khảo sát kỹ hơn rồi mới giải ngân. Để có thể thuyết phục được họ thì tính chuyên nghiệp và minh bạch cần phải đặt ưu tiên hàng đầu, đó cũng là lý do festival biển Nha Trang có thể duy trì được nguồn kinh phí tổ chức tiết kiệm trong nhiều năm liền”, ông Lê Văn Hoa chia sẻ kinh nghiệm.