Đường đi của CW

Nhà đầu tư (NĐT) tham gia mua chứng quyền có bảo đảm (CW) liệu có thu được lãi tương tự hợp đồng tương lai (HĐTL) hay không? Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện nay.

Câu trả lời về tổng thể sẽ là có lãi và tất nhiên cả thua lỗ nữa, nhưng việc tận dụng cơ hội thế nào, đặc biệt là lựa chọn thời điểm cũng như loại CW để giải ngân là mấu chốt của vấn đề. Nhìn lại chặng đường của HĐTL sẽ thấy, khi mới ra đời cách đây hai năm sản phẩm này chưa thu hút được nhiều NĐT, chắc chắn sự quan tâm kém hơn hẳn so CW hiện nay.

Sau khoảng nửa năm, HĐTL bắt đầu được quan tâm bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, NĐT đã có thời gian để “mày mò” sản phẩm mới và quen sử dụng. Thứ hai, quan trọng hơn đó chính là cơ hội đến khi mà thị trường (TT) điều chỉnh mạnh, VN Index từ 1.200 điểm xuống còn 900 điểm. Nghĩa là một sản phẩm muốn phát triển phải có “thời”.

Đối chiếu lại với CW, có thể dễ dàng thấy được, nhờ vào việc truyền thông rất tốt, với vai trò chủ đạo từ Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), sau đó là các công ty chứng khoán, cơ quan thông tấn, nên mức độ tiếp nhận của NĐT với CW nhanh chóng hơn HĐTL. Như vậy, quyết định cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ CW sẽ phụ thuộc yếu tố thời cơ. Nhưng khác với HĐTL phụ thuộc diễn biến TT, CW sẽ phụ thuộc biến động của từng cổ phiếu (CP). Như vậy, mức độ phụ thuộc sẽ đa dạng hơn rất nhiều. Nếu như HĐTL phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến TT thì CW sẽ phụ thuộc chính vào diễn biến của CP cơ sở. Trong điều kiện bình thường, CP sẽ “chạy” nhờ các thông tin nội tại doanh nghiệp (DN) thì NĐT sẽ tập trung để phán đoán diễn biến rồi ra quyết định với CW. Nhưng có ý kiến cho rằng, khi TT chung biến động mạnh, tăng hoặc giảm đồng loạt, có thể tác động đến giá CP dù DN không có chuyện gì. Tất nhiên trong trường hợp này, nếu NĐT “sợ” CW thì đã có HĐTL để phân bổ trở lại.

Nhìn chung, nếu CP có thể tăng được một khoảng (gap) bằng giá của CW (tỷ lệ chuyển đổi 1:1) thì NĐT ít nhất hòa vốn, còn vượt hơn thì có lãi. Trong thực tế, vẫn có những CP dù tăng còn hơn giá của CW, nhưng NĐT vẫn không có lãi, và theo chiều ngược lại, có khi gap của CP chưa đủ bằng giá CW nhưng NĐT sẽ thu được lợi nhuận.

Vấn đề nằm ở thời điểm, đơn cử, nếu CW có thời hạn sáu tháng, một NĐT mua và giữ đến tháng thứ 5 vẫn không có lãi, nhưng sau khi vừa bán ra thì CP lại tăng. Quyết định đúng đắn sẽ nằm ở việc phán đoán thời điểm CW bùng nổ để giải ngân. Ngoài việc tham chiếu từ giá CP, bản thân NĐT cũng có thể quan sát diễn biến của CW, đơn cử như việc nếu giá CP tăng, giá CW có thể nhích theo. Mua được CW giá thấp và bán giá cao hơn cũng có lãi, thay vì đợi đến khi thực hiện quyền.

Nói tóm lại, CW sẽ là một phần trong hệ sinh thái các sản phẩm phái sinh, để NĐT phòng ngừa rủi ro cho CP cũng như HĐTL là phòng ngừa cho diễn biến TT. Dù khác nhau về tính chất so CP hay HĐTL, nhưng đường đi của CW cũng sẽ luôn chứa đựng những bất ngờ, những khoảnh khắc bùng nổ. Cũng như nhiều sản phẩm khác, NĐT nào tận dụng thời điểm tốt hơn sẽ có lợi thế.