Đừng chờ đủ lớn

Khi dự án khởi nghiệp (startup) trở thành xu hướng thời thượng trên toàn thế giới thì nhiều quỹ đầu tư cũng đánh tiếng sẽ tham gia lĩnh vực này, nhưng từ chỗ có ý định đến khi triển khai được kế hoạch lại có một khoảng cách rất lớn.

Các quỹ lớn tại Việt Nam như: Dragon Capital, VinaCapital, VFM… vài năm trước đều công bố sẽ đầu tư vào startup, và thực tế, các quỹ này cũng đã có những thương vụ nhất định. Chẳng hạn, VinaCapital đầu tư vào Fast Go, Dragon Capital lập ra quỹ startup VIISA… nhưng quy mô đầu tư vẫn còn kém xa so các khoản đầu tư vốn tư nhân hay đầu tư trên sàn. Quy mô các thương vụ phần lớn chỉ tầm dưới 5 triệu USD, trong khi các thương vụ trên sàn lớn gấp 5-10 lần.

Khác với đầu tư tài chính, hay giao dịch cổ phiếu trên sàn, quỹ đầu tư vào startup vừa phải có tiền, vừa phải am hiểu ngành, thậm chí là phải tham gia đến hết vòng đời doanh nghiệp (DN). Việc này đòi hỏi các quỹ phải có thời gian đủ dài để tìm hiểu lĩnh vực mình đầu tư và thời gian “học nghề”, có khi mất cả chục năm. Một vấn đề mấu chốt ở đây là niềm tin và kỳ vọng hết sức khác biệt, nên các startup hoặc là “sợ” quỹ hoặc không thể đáp ứng nổi yêu cầu của quỹ.

Một startup luôn bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết: từ vốn, nhân sự đến quy trình, thương hiệu… Các quỹ nếu chưa có nghề đầu tư startup khi nhìn vào các yếu tố này lại “sợ” và phải đưa vào những quy trình chặt chẽ, có thể bóp nghẹt sự sáng tạo, mạo hiểm, vốn là thuộc tính của startup. Cũng phải nói thêm, các quỹ startup khét tiếng thường có một quy trình quản lý rủi ro, chẳng hạn, chấp nhận lỗ đến 7-8 thương vụ trong 10 thương vụ, chỉ cần 2-3 thương vụ có lãi thì khoản lãi này sẽ tăng gấp 5-10 lần và từ đó bù đắp được các khoản lỗ.

Các quỹ mới tham gia vào startup dù có tiền, nhưng lại không có quy trình kiểu này nên rất khó giải ngân. Vì vậy, các thương vụ đầu tư trong giới startup hiện chỉ đến từ hai nhóm nhà đầu tư, đó là nhóm các nhà đầu tư cá nhân vốn lớn, ở đây có thể là các đại gia, tỷ phú… và các DN cùng ngành.

Với nhóm cá nhân, chỉ cần một hay vài người “thích” và thấy có tiềm năng thì việc giải ngân rất nhanh. Còn với các DN cùng ngành, sẽ dễ dàng hiểu rõ các startup đang hoạt động thế nào, vị thế ra sao cũng dẫn đến quyết định đầu tư nhanh chóng. Nhưng cũng từ đây, lại một lần nữa điểm nghẽn về vốn từ các quỹ đầu tư với startup lại bộc lộ, dù từ khá lâu, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết thấu đáo. Về khách quan, như đã nói ở trên, các quỹ có lẽ cần thêm thời gian để thích nghi. Nhưng e rằng, nếu quá cẩn trọng, đến khi có thể đầu tư thì hoặc các mục tiêu đã bị đối thủ khác giải ngân, hoặc startup cũng đã tự lớn và đủ nuôi mình.