Đón sóng dịp cuối năm

Thị trường chứng khoán (TTCK) trong những phiên còn lại của tháng 11 được dự báo sẽ không biến động mạnh mà chuyển sang giai đoạn tích lũy. Trong đó các nhịp giảm tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư (NĐT) lựa chọn cổ phiếu (CP) có khả năng tạo sóng cuối năm.

VN Index đã có nhịp tăng giá từ vùng 800 điểm hồi cuối tháng 7 đến 960 điểm vào cuối tháng 10-2020, với mức tăng gần 25%. Thanh khoản cũng tăng từ mức 250 - 300 triệu CP lên 400 - 450 triệu CP/phiên, cho thấy dòng tiền chủ động tham gia TTCK, ủng hộ cho pha tăng điểm này đến từ cả NĐT cũ và mới.

Tính riêng tháng 10, VN Index tăng trưởng thuộc nhóm mạnh nhất so khu vực và các chỉ số CK lớn trên thế giới, giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình đạt hơn 9.500 tỷ đồng/phiên, tăng 1,8 lần so cùng kỳ năm 2019 và tăng 1,5 lần so tháng 9-2020. Đáng chú ý, dòng tiền trải khắp nhiều nhóm CP thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau chứ không tập trung như giai đoạn trước.

Sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và đầu tư công (ĐTC) đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm đã thúc đẩy thị trường tăng điểm. Trong quá trình tăng điểm xuất hiện một số phiên điều chỉnh, tạo nền giá hấp dẫn hơn cho các NĐT tham gia. Trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 3.000 tài khoản CK mới được mở. Những phiên giao dịch cuối tháng 10 xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh hơn trong bối cảnh NĐT đã hấp thụ hầu hết thông tin từ kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III - 2020 của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, dòng tiền tham gia TTCK vẫn tích cực và chỉ số tăng điểm trở lại trong những phiên đầu tháng 11.

Chỉ số P/E của VN Index hiện quanh 15 lần, tương đương mức trước khi xảy ra dịch Covid-19 và thấp hơn nhiều TT khác trong khu vực. Dẫn số liệu thống kê của Bloomberg, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Công ty CK Dầu khí (PSI) cho biết, một xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chính phủ và ngân hàng T.Ư theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, tiếp tục có các gói kích thích nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh. TTCK nhận được ảnh hưởng tích cực từ yếu tố này. Dòng tiền vào TTCK sẽ tiếp tục có xu hướng tích cực trong ngắn hạn, dù một số yếu tố trong và ngoài nước có thể ảnh hưởng đến mức độ tham gia của NĐT.

Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai, đẩy mạnh ĐTC cùng với các chính sách khác của Chính phủ sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Về hoạt động đầu tư nhằm đón “sóng” giai đoạn cuối năm, động thái nhà nước đẩy mạnh đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng tiếp tục hỗ trợ TT và yếu tố này sẽ xuyên suốt trong năm 2020 - 2021, là yếu tố quan trọng hối thúc dòng tiền của các NĐT tham gia TT. 

Tuy nhiên, về cơ bản, nhiều chuyên gia nhận định, TT sẽ có nhiều nhịp giao dịch giằng co đan xen khi nền giá hiện tại đã phản ánh tương đối hợp lý những rủi ro và cơ hội. Trong vùng trũng thông tin thì rủi ro ngoại biên, đặc biệt là diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cần được theo dõi sát sao, bởi yếu tố này sẽ tác động mạnh tới triển vọng kinh doanh của các DN. NĐT cần tỉnh táo nhìn nhận các yếu tố tác động mang tính dẫn dắt TT hiện tại.