Đổi vị trái phiếu

Từ chỗ có đến 99% số nhà đầu tư (NĐT) là các tổ chức, định chế tài chính và chỉ 1% là NĐT cá nhân, thị trường (TT) trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện đã có sự thay đổi về cơ cấu khi NĐT cá nhân hiện đã chiếm đến 3%.

Ba nhân tố chính

Dù tỷ trọng của NĐT cá nhân vẫn còn thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng gấp ba lần là cực kỳ khả quan và xuất phát từ ba nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, quy mô tài sản của NĐT ngày một gia tăng, nhất là trong ba năm qua. Ngay cả những NĐT chứng khoán (CK) chơi trên sàn hiện cũng tìm cách phân bổ một phần tài sản của mình sang những khoản có suất sinh lời ổn định hơn (fix income) như quỹ mở trái phiếu hoặc mua TPDN. Thí dụ đơn giản, NĐT có tài sản khoảng 500 triệu đồng, nếu có nhu cầu sinh lời 100 triệu đồng mỗi năm thì suất sinh lời 20%, như vậy sẽ phải tìm các kênh như: CK, bất động sản (BĐS)… Nhưng khi tài sản đã là một tỷ đồng rồi, vẫn với nhu cầu tìm thu nhập 100 triệu đồng/năm thì chỉ cần tìm một kênh có suất sinh lời 10%, lúc này trái phiếu lại phù hợp.

Thứ hai, về lãi suất TPDN hiện nay ở ngưỡng quanh 10%, có khi lên đến 11% tức là cao hơn khoảng 3% so lãi suất gửi tiết kiệm. Đầu tư CK, BĐS sinh lời có thể cao hơn, nhưng cũng có thể thua lỗ. Như vậy, lãi suất của TPDN dù cố định (hạn chế rủi ro) nhưng vẫn tạo ra kỳ vọng sinh lời tương đối hấp dẫn.

Thứ ba, NĐT đã và đang dần có thói quen đổ vốn vào TPDN và số người đang tăng nhanh theo từng năm cũng kéo theo một lực lượng đông đảo môi giới CK tham gia TT này. “Đội sale” này cũng góp phần phổ biến những lợi ích của TPDN đến với các NĐT cá nhân để dần tạo thành một thói quen đầu tư.

Dịch chuyển dòng tiền

Trong ngắn và trung hạn, dòng tiền sẽ đổ vào TPDN ngày một tăng và tạo điều kiện để các công ty CK nói riêng hay các định chế tài chính nói chung tạo ra nhiều sản phẩm nhằm thu hút các NĐT hơn. Khi thanh khoản của TT đã tăng thì càng hút thêm dòng tiền, từ đó lại tạo ra cơ hội sinh lãi không chỉ trong dài hạn nhờ vào lãi suất cố định mà còn là những khoản chênh lệch giá ngắn hạn. Lâu nay, các định chế tài chính đã có những sản phẩm hỗn hợp kiểu như vừa gửi tiết kiệm, vừa phân bổ vào trái phiếu, phần nữa đầu tư vào cổ phiếu. Khi lãi suất được tối ưu hóa, các đơn vị môi giới bán được nhiều hơn sản phẩm và sẽ có lợi cho cả nhiều bên: khách hàng có sản phẩm tốt, trái chủ huy động được vốn, nhà môi giới thu được phí. Chưa kể, ngoài quỹ mở đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhiều người cũng chờ đợi quỹ mở đầu tư vào TPDN cũng sớm xuất hiện.

Nhưng điều mà NĐT kỳ vọng hơn nữa chính là việc sẽ có một TT giao dịch trái phiếu nói chung trở nên sôi động và dần dần sẽ không thua kém TT cổ phiếu. TPDN phát triển cũng sẽ tạo thêm một kênh huy động vốn cho DN, ban đầu sẽ là các DN lớn, đầu ngành, rồi sau đó là các DN nhỏ và vừa.