“Dội chợ” ESOP

Ngày 2-5 vừa qua, hơn 12 triệu cổ phiếu (CP) phát hành ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV), thường gọi là ESOP, của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã được phép tự do chuyển nhượng. Và cũng trong khoảng thời gian này BVH đã có hai phiên giảm sàn trong ngày 2 và 3-5 từ 88.000 đồng/CP xuống 77.000 đồng/CP.

Trong hai phiên giao dịch, mỗi phiên có tầm 1,5-2 triệu CP BVH được chất lệnh bán giá sàn từ đầu tới cuối phiên. Ngay lập tức, nhiều người đã phán đoán số CP này chính là lượng hàng ESOP được đem ra bán. Lập luận ở đây được đưa ra là những người mua ESOP với giá chỉ gần 36.000 đồng/CP thì mức giá 70.000 đồng/CP hay 80.000 đồng/CP bán kiểu gì cũng lãi, mà còn lãi đậm nên cứ thế mà bán, dân chứng khoán thường gọi kiểu bán này là “dội chợ”. Bên mua tất nhiên không muốn mua đắt và cho rằng bên bán còn ra hàng nữa.

Câu chuyện giá của BVH trên sàn trong ngắn hạn sẽ tùy thuộc vào thị trường (TT), nhưng cũng nên biết rằng với một CP lớn, đầu ngành, thị phần dẫn đầu trong TT bảo hiểm thì CP khi đủ rẻ sẽ kích thích lòng tham của TT. Dẫu vậy, từ câu chuyện của BVH có thể nhìn rộng hơn ra về vấn đề nguồn cung ESOP, thậm chí là một lời cảnh báo cho các doanh nghiệp (DN) vốn đang sử dụng chiến lược này là một kênh thu hút, giữ chân người tài.

Tại đại hội cổ đông mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư thương mại SMC cho biết, khoảng nửa triệu CP ESOP dự kiến phát hành trong năm 2019 này dành cho những cán bộ quản lý, là những người trẻ, nhưng đã gắn bó lâu năm, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong kinh doanh.

Trước chất vấn của cổ đông về khả năng pha loãng CP với lượng ESOP trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan cho biết, năm 2018 SMC cũng đã thực hiện ESOP và chưa thấy có hiện tượng cung vượt quá cầu.

Tương tự, Thế giới di động (MWG) trong những năm qua vẫn liên tục phát hành ESOP nhưng lượng cung CP tương đối ổn định. Khác biệt của BVH so với SMC hay MWG đơn thuần chỉ là việc tập đoàn này lần đầu tiên thực hiện ESOP với một lượng lớn CP như vậy.

Vấn đề ở đây được đặt ra là nếu DN có chiến lược ESOP, cần được triển khai theo hướng càng sớm, càng tốt có lộ trình, chiến lược. Mặt khác, trong trường hợp xảy ra hiện tượng “dội chợ” những lần đầu tiên, cần chấp nhận rủi ro và cố gắng kiểm soát.

Nhưng đầu xuôi, chưa chắc đuôi đã lọt. Thực tế có những DN liên tục phát hành ESOP, nhưng chưa xảy ra tình trạng “dội chợ” bởi lượng hàng hóa này được nắm giữ, ít khi bị bán đồng loạt. Nguyên nhân nằm ở việc CBCNV gắn bó lâu dài, có niềm tin vững chắc vào DN, cụ thể là cho rằng giá CP trong tương lai sẽ còn tăng nên sẽ không bán. Nhưng khi niềm tin và kỳ vọng không còn, có thể một lượng lớn CP sẽ bị bán ra đồng loạt và chuyện giảm mạnh hoặc giảm sàn nhiều phiên cũng hiện hữu.

Vì vậy, phát hành ESOP đừng chỉ nghĩ đến chuyện quyền lợi mà nó cần phải gắn đến tiềm lực của DN trong dài hạn.