Dịch chuyển margin

Tính đến giữa năm nay, tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán (CTCK) lên đến hơn 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so đầu năm. Dư nợ tăng, nhưng từ đầu năm đến nay thanh khoản giao dịch trên sàn chỉ đạt trung bình 2.500-3.000 tỷ đồng/phiên. Vậy nguồn vốn cho vay của CTCK, vốn được mặc định là để các nhà đầu tư (NĐT) vay và mua cổ phiếu (CP) đã và đang chảy đi đâu?

Ngắn hạn không đổi

Có một thực tế là thị trường (TT) càng biến động khó lường, NĐT sẽ càng hạn chế sử dụng margin, chứ chưa nói đến việc duy trì hay tăng và TTCK từ đầu năm đến nay đã diễn biến như vậy. Cứ giả định một cách lạc quan, NĐT vẫn duy trì được thói quen sử dụng margin như từ năm 2018 đến giờ, vậy thì phần tăng lên sẽ chảy vào đâu?

Thoạt nhìn, ngoài CP, hiện nay còn có cả hợp đồng tương lai (HĐTL) và chứng quyền bảo đảm (CW). Tuy nhiên, thanh khoản của HĐTL những thời điểm bùng nổ vượt được 10.000 tỷ đồng/phiên, nhưng sau đó cũng chùng xuống, nghĩa là vốn margin chảy vào sản phẩm phái sinh này cũng khó lòng tăng lên.

Và cuối cùng, ai cũng biết là khi mua CW thì không được sử dụng margin nên vốn margin tăng lên cũng không chảy vào kênh này. Có ý kiến cho rằng để mua CW bằng vốn tự có, NĐT phải bán bớt margin để thu hồi vốn, nhưng thực tế tỷ trọng giao dịch của CW hiện vẫn còn rất nhỏ so CP hay HĐTL, nên cũng khó gây ra sự xáo trộn về dòng tiền. Như vậy, xét về tổng thể, vốn margin không có cửa tăng lên tại các kênh giao dịch ngắn hạn cho dù đó là sản phẩm nào.

Bất ngờ dài hạn

Nếu đi sâu hơn vào dòng vốn margin sẽ thấy đóng góp rất lớn vào sự gia tăng dòng vốn này sẽ nằm ở các CTCK “mới nổi” trên TT khoảng hai năm nay. Đây là những công ty có sự tham gia của NĐT nước ngoài, và việc đổ hàng nghìn tỷ đồng cho các đợt tăng vốn không có gì là khó khăn, thách thức nằm ở việc “tiêu thụ” dòng vốn này như thế nào?

Với khách hàng nhỏ lẻ, cá nhân, vốn thuộc về thị phần ở nhóm các CTCK như: SSI, HSC, VNDS… thì rõ ràng các CTCK nước ngoài không có cửa để giành được trong ngắn hạn. Vì vậy, nhóm các CTCK nước ngoài, vốn lớn sẽ hướng đến một nhóm khác bao gồm các khách hàng “siêu” VIP hoặc cổ đông lớn của doanh nghiệp.

Cách đây chưa lâu, báo Thời Nay đã có bài viết về cách thức các cổ đông (CĐ) lớn có thể sử dụng để duy trì sở hữu của mình, nhưng không phải tốn vốn tự có, chẳng hạn, CĐ lớn sở hữu cổ phần trị giá 100 tỷ đồng, bằng một số thủ thuật vẫn có thể sở hữu giá trị như vậy, nhưng vốn tự có chỉ phải bỏ ra 50 tỷ đồng, 50 tỷ đồng còn lại sẽ vay từ CTCK. Với cách thức này, CTCK chỉ cần sở hữu một nhóm vài chục khách VIP là có thể giải ngân hết hàng nghìn tỷ đồng vốn, thay vì phải tốn công quản lý hàng chục nghìn khách hàng cá nhân. Trong trường hợp, nếu các đợt doanh nghiệp phát hành CP tăng vốn, các CĐ lớn phải bỏ thêm tiền ra để mua thì CTCK càng có lợi, hơn nữa còn có thể cho vay thêm và dòng vốn này sẽ còn duy trì lâu dài, đem lại một khoản lãi đáng kể. Như vậy, dòng vốn margin không chỉ luân chuyển ngắn hạn giữa các nhóm CP hay HĐTL mà đang có hướng dịch chuyển sang những NĐT có xu hướng nắm giữ lâu dài.