Cuộc đua môi giới trái phiếu

Từ chỗ thử nghiệm, hoặc chỉ là dịch vụ phụ thêm của các nhân viên môi giới, giờ đây một số công ty chứng khoán (CTCK) bắt đầu chuẩn hóa dịch vụ môi giới trái phiếu (TP).

Xu hướng tất yếu

Hai trong số những CTCK tốp đầu đã định hình dịch vụ TP của mình thông qua hai yếu tố. Thứ nhất là tên gọi. Chẳng hạn CTCK VN Direct có sản phẩm đầu tư TP D-Bond. Mới cuối tháng 10, CTCK SSI cũng cho ra mắt sản phẩm TP S-Bond, bao gồm: TP của EuroWindow Holding, TP của Con Cưng và TP của Dịch vụ Hàng không Thăng Long Taseco. Các chữ cái trước chữ Bond có thể hiểu như chữ cái trong tên gọi CTCK như D của VN Direct hay S của SSI.

Thứ hai là quy trình đầu tư cũng được công bố rất rõ ràng. Chẳng hạn, CTCK công bố giá TP vào ngày T trên website rồi khách hàng đăng ký mua bán với nhân viên môi giới, sau đó tiến hành hoàn thiện hồ sơ và thanh toán. Đến ngày T+ nhất định sẽ nhận được giấy chứng nhận sở hữu TP. Nhà đầu tư (NĐT) mua TP (tạm gọi là trái chủ) sẽ nhận trái tức do các tổ chức phát hành (doanh nghiệp - DN) thanh toán định kỳ.

Đây được xem là xu hướng tất yếu khi DN phát hành TP ngày một nhiều, cung tăng, đồng nghĩa với việc phải có giải pháp phân phối phù hợp để cân bằng cung - cầu. Thời gian qua, sự trỗi dậy của một loạt các CTCK vốn nước ngoài trong việc tăng vốn, củng cố công nghệ chắc chắn sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh cho các CTCK tốp đầu như: SSI, VN Direct hay HSC, vì vậy, việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp các CTCK lớn trong nước bảo đảm vị thế cũng như tăng cường nguồn thu.

Lợi thế cạnh tranh

Khác với việc môi giới một số sản phẩm khác trên thị trường, môi giới TP sẽ phụ thuộc đáng kể vào vị thế của CTCK cũng như mối quan hệ với DN. Đầu tiên, CTCK tham gia tư vấn phát hành TP tất nhiên sẽ có lợi thế trong việc chào bán TP. Thông thường, những CTCK đủ tầm tư vấn phát hành TP thường cũng là CTCK lớn, có tệp khách hàng sâu rộng nên cũng dễ kết nối được cung - cầu. Để có được “đẳng cấp” tư vấn phát hành TP, các CTCK cần có một thời gian dài để tích lũy nghiệp vụ, củng cố quan hệ cũng như tạo ra bề dày thành tích từ các thương vụ. Trước mắt, cuộc chơi phát hành TP sẽ thuộc về các CTCK trong nước, có bề dày thành tích (track record) trong lĩnh vực tư vấn.

Tuy nhiên, cuộc đua sẽ không dừng lại trong khoảng 5-10 CTCK mà có thể mở rộng hơn, những lợi thế mang tính lịch sử cũng chỉ có giá trị nhất định và nếu không phát huy đúng cách có thể bị tụt hậu. Đơn cử, có những CTCK đã tham gia mảng tư vấn, bảo lãnh phát hành từ rất lâu, nhưng dấu ấn tạo ra lại tương đối mờ nhạt. Giữa việc chọn nhóm CTCK này hay những CTCK “mới nổi” có tiền, dù thành tích không quá rực rỡ, nhưng có thể bảo lãnh, thì DN có thể lựa chọn các nhân tố mới cho việc phát hành.

Lợi thế vốn lớn, nhiều tiền cũng khiến các CTCK không bỏ lỡ cơ hội gia nhập cuộc đua phân phối TP và nếu chủ quan thì CTCK kỳ cựu vẫn có thể bị vượt mặt.