Cuộc cạnh tranh đa sắc

Chỉ sau khoảng ba năm gia nhập thị trường (TT) Việt Nam, khối công ty chứng khoán (CTCK) có vốn Hàn Quốc đã trở thành đối trọng đáng gờm cho các đối thủ khác trên TT, hứa hẹn tạo ra một cuộc cạnh tranh đa sắc.

Có thể ví khối này giống như một thế lực mới nổi trên TT nếu nhìn vào bảng xếp hạng thị phần quý III-2019: Tại sàn HoSE, có hai CTCK Hàn Quốc là KIS (thứ 10) và Mirae Asset (thứ 5). Còn trong tốp các CTCK có vốn điều lệ lớn nhất TT có đến ba CTCK đến từ “xứ sở kim chi”, dẫn đầu là Mirae Asset (gần 5.500 tỷ đồng), KIS xếp thứ 8 (gần 1.900 tỷ đồng), KBSV thứ 9 (gần 1.700 tỷ đồng).

Ba năm qua, có năm thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) CTCK với nguồn vốn đến từ Hàn Quốc, đưa số lượng CTCK Hàn đang hoạt động tích cực lên con số 6. Nhìn lại hướng đi của các CTCK này sẽ thấy một số điểm đáng lưu tâm. Ba năm (trung hạn) là khoản thời gian vừa đủ để thâm nhập, xác lập vị thế bước đầu của các CTCK Hàn Quốc, nhưng điều quan trọng là khối này làm với số lượng khá nhiều, nhất quán và khá phù hợp xu thế chung của TT. Các CTCK này đều có sự đầu tư mạnh mẽ của dòng vốn Hàn Quốc tại Việt Nam với quy mô từ vài chục đến vài trăm triệu USD, tạo nên những vị thế chung và riêng biệt. Việc M&A cũng đã được thực hiện rất quyết liệt với đối tượng là nhóm các CTCK có vốn Hàn Quốc trước đó nhưng hoạt động chưa thật sự sôi động.

Phân tích hướng đi của các CTCK Hàn Quốc, để thấy rằng, chưa cần bàn đến quy mô, hay mức độ cạnh tranh đến đâu thì sự nhất quán cũng như lan tỏa của khối này sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh sòng phẳng với các CTCK trong nước. Khi thị phần chưa thể lấy được ở tốp trên, thì “tạm” lấy tốp dưới. Hai vị trí dẫn đầu của SSI và HSC hiện vẫn rất “vững” với thị phần hai con số (hơn 10%), nhưng ở các vị trí tiếp theo có thể đối mặt áp lực cạnh tranh từ phía các CTCK Hàn Quốc.

Đơn cử, thị phần của Mirae Asset trong quý III-2019 vừa rồi đạt gần 5,3% xếp ở vị trí thứ 5, thì khoảng cách chưa đến 2% với VNDirect (gần 7,2%) cũng không phải là thách thức quá xa vời. So việc tăng thị phần, việc tăng vốn sẽ dễ hơn với khối CTCK Hàn Quốc, nên khối này đã chọn cách tăng vốn rất nhanh để vào tốp. Một mặt, vừa nâng cao lợi thế cạnh tranh, mặt khác cũng để có track record (thành tích) đẹp trên TT qua đó nâng cao tên tuổi, thương hiệu. Một điểm mà các CTCK Hàn Quốc vẫn chưa tạo ra ấn tượng, đó là thông điệp về lợi thế cạnh tranh của khối này còn khá mờ nhạt, hiện chưa có đơn vị nào tỏ ra có thế mạnh trong công nghệ, tư vấn mà tất cả chỉ ở mức tốt.

Không phải ngẫu nhiên mà một loạt CTCK trong nước như SSI đã nâng cấp hệ thống (core), BSC đầu tư vào AI (trí tuệ nhân tạo), một mặt vừa nâng cao sức mạnh cạnh tranh nói chung, mặt khác là chuẩn bị sẵn để đối đầu với các CTCK nước ngoài. Tuy nhiên, nhóm CTCK Hàn Quốc sẽ không chỉ tạo ra đối trọng với các CTCK trong nước, mà còn tạo ra đối trọng với nhóm các CTCK nước ngoài khác, và cuộc cạnh tranh giữa các CTCK khối nước ngoài sẽ tạo ra vị thế đáng kể cho cả khối này trên TT. Như vậy, các CTCK trong nước cũng sẽ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để duy trì vị thế của mình.